Kiến nghị quân nhân được cộng nối thời gian 16/12/1993 - 31/12/2006 để tính BHXH

29/12/2024 08:40

Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị quân nhân được cộng nối thời gian 16/12/1993 - 31/12/2006 để tính bảo hiểm xã hội.

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn do Ban Dân nguyện chuyển đến  với nội dung: “Theo quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân:

 “Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định này đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01/01/1995 đã được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo một trong các quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội”.

Đồng thời, tại điểm a khoản 4 mục IV Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân quy định: 

“Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ có thời hạn rồi xuất ngũ ngay thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội ứng với thời gian phục vụ tại ngũ để tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, hoặc bảo lưu trên sổ bảo hiểm xã hội chỉ tính từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (từ tháng 01/2007 trở đi)”. 

Như vậy, các văn bản pháp luật về BHXH hiện nay chỉ quy định cộng nối thời gian công tác với các trường hợp xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 và sau tháng 01/2007. Còn đối với trường hợp nhập ngũ và xuất ngũ khoảng thời gian từ ngày 16/12/1993 đến 31/12/2006 không thuộc đối tượng được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng chế độ BHXH, như vậy rất thiệt thòi, chưa đảm bảo quyền lợi đối với các đối tượng này. 

Đề nghị xem xét cho các đối tượng quân nhân được tính thời gian nhập ngũ từ ngày 16/12/1993 đến 31/12/2006 vào thời gian tính đóng BHXH, để bảo đảm mọi công dân đều được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Về kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

Thi hành Quyết định số 595/TTg ngày 15/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ; ngày 28/3/1994 Liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 448/TT-LB hướng dẫn thực hiện chế độ đối với quân nhân xuất ngũ (hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/1993). 

Theo đó, thời gian công tác trong Quân đội khi phục viên, xuất ngũ đã được tính hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp học nghề thì không được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Theo quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì trường hợp quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế mà không hưởng chế độ trợ cấp theo một trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002; điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011) thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.

Mặt khác, trường hợp quân nhân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết chế độ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian tham gia quân đội được tính hưởng BHXH; từ ngày 01/01/1995, thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng của pháp luật về BHXH.

Như vậy, các trường hợp quân nhân đã phục viên, xuất ngũ từ ngày 15/12/1993 trở đi để được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính là thời gian đóng - hưởng các chế độ BHXH theo đề nghị của cử tri phải thuộc các trường hợp chưa được hưởng trợ cấp theo quy định nêu trên đối với thời gian đã tham gia quân đội.

Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tại địa phương theo quy định.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/kien-nghi-quan-nhan-duoc-cong-noi-thoi-gian-16-12-1993-31-12-2006-de-tinh-bhxh-119241229083254886.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/kien-nghi-quan-nhan-duoc-cong-noi-thoi-gian-16-12-1993-31-12-2006-de-tinh-bhxh-119241229083254886.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kiến nghị quân nhân được cộng nối thời gian 16/12/1993 - 31/12/2006 để tính BHXH
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO