Lương giáo viên mới ra trường chỉ bằng nửa tiền lương của công nhân, lao động phổ thông
Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đặng Tấn Tài (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, thời gian qua, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng; sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo nghề, phụ cấp đặc thù theo ngành; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp…
Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.
"Mức lương của giáo viên trong 5 năm đầu công tác có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này không phải là cao, bởi công nhân, lao động phổ thông đã có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, chi phí thiết yếu từ ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe… khá cao, không đủ để giáo viên trang trải cuộc sống.
Một số giáo viên phải nghỉ việc, chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Tại đơn vị nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua luôn không tuyển đủ số lượng giáo viên", ông Lê Văn Lực nêu rõ.
Chính sách tiền lương vẫn mang tính cào bằng
Theo ông Lê Văn Lực, chính sách tiền lương dù đã trải qua nhiều lần "cải cách" nhưng vẫn chưa tạo động lực đủ mạnh để người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến.
Chính sách tiền lương vẫn mang tính cào bằng, chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ánh đúng năng lực, kết quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực.
Vì thế, thầy cô giáo đều mong muốn được trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới, giúp họ đỡ vất vả trong cuộc sống.
Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư… các trường phổ thông cũng cần được hỗ trợ bởi mức thu nhập của họ còn thấp.
Đồng quan điểm, ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho rằng, trong hệ thống thang, bảng lương hiện nay, khoảng cách giữa các bậc lương chênh lệch không đáng kể so với thời gian nâng bậc; một số chế độ phụ cấp chưa phù hợp.
Hệ số lương khởi điểm các ngạch quá thấp chưa khuyến khích người lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chế độ phụ cấp áp dụng hiện hành là tương đối phù hợp; song nếu quan tâm đúng mức đến một số phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp độc hại… sẽ tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của người lao động.
Hiện nay, viên chức trong trường như y tế, văn thư, thư viện có phụ cấp đặc thù ngành nhưng vẫn còn thấp. Một số vị trí khác chỉ nhận lương theo hệ số, không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngành.
Ngoài ra, các trường còn gặp khó trong việc trả lương cho nhân viên bảo vệ, phục vụ do không có nguồn thu. Trong khi quy định hiện hành không được sử dụng ngân sách để trả lương cho nhóm nhân sự theo diện hợp đồng này.
Cơ chế tiền lương hiện nay khó thu hút giáo viên
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần tháo gỡ những bất cập trong quy định về vị trí việc làm. Do thiếu hụt nhân sự, nhiều giáo viên ở các đơn vị công lập phải kiêm nhiệm các vị trí khác nhau.
Trong bối cảnh ngành đang triển khai nhiều chương trình, đề án, nhất là hướng tới chuyển đổi số, việc giáo viên kiêm nhiệm nhiều vị trí việc làm sẽ gây khó trong thực hiện các nhiệm vụ. Mặt khác, cơ chế tiền lương hiện nay khó thu hút giáo viên, nhất là khu vực ngoại thành.
Thành phố luôn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên Công nghệ thông tin, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật… Dù địa phương đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng chưa đủ để thu hút nhân lực, vẫn còn hiện tượng giáo viên bỏ nghề vì thu nhập thấp.
Đề xuất nâng mức lương khởi điểm của bác sĩ
Không chỉ với ngành Giáo dục, chính sách tiền lương và vị trí việc làm trong ngành Y tế cũng có những bất cập. Đại diện Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mức lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ hiện áp dụng bằng với mức các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ Đại học là chưa phù hợp.
Bởi đội ngũ bác sỹ có thời gian đào tạo 6 năm, dài hơn các ngành nghề khác; sau khi ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề (về nội, ngoại, sản, nhi).
Ngoài ra, đối với Bệnh viện Ung Bướu Thành phố, các bác sĩ phải tham gia đào tạo sau Đại học bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành Ung bướu với thời gian học 2 năm để đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh chuyên khoa này.
Vì thế, đơn vị kiến nghị, trong lộ trình cải cách tiền lương, các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh mức lương khởi điểm tuyển dụng lần đầu của đội ngũ bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm đối với các chức danh có yêu cầu trình độ Đại học khác.
Đồng thời, điều chỉnh tăng khoảng cách chênh lệch giữa các bậc lương và giảm thời gian nâng bậc lương.
Điều chỉnh chính sách tiền lương để giữ chân người giỏi
Về vấn đề tự chủ tài chính, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo bước đột phá cho các ngành, đặc biệt là với ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, việc triển khai nghị định này với ngành Giáo dục còn khó khăn do chưa có sơ sở, hướng dẫn để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
Định mức này được xây dựng dựa trên hao phí sức lao động, hao mòn tài sản, vật tư nhưng hiện chưa có hướng dẫn về việc xác định các mức hao phí này trong ngành Giáo dục để làm cơ sở xây dựng.
Theo ông Dương Trí Dũng, để tạo bước đột phá cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung thực hiện tự chủ, cần có nhiều cơ chế để các đơn vị tiến hành công tác quản lý từ sử dụng tài sản công, cơ chế tiền lương, cơ chế quản lý và sử dụng biên chế, hợp đồng lao động.
Thực tế, cơ chế quản lý tài sản công trong ngành Giáo dục còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến việc tạo nguồn thu cho các đơn vị.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, ngành Giáo dục và Y tế được đánh giá rất quan trọng, tuy nhiên chính sách về tiền lương của hai ngành hiện còn nhiều bất cập.
Mặt khác, yêu cầu và lộ trình về nâng chuẩn nghề nghiệp ở hai ngành này cũng khiến các đơn vị gặp khó khăn trong triển khai.
Đơn cử, ở ngành Giáo dục, giáo viên từ bậc Tiểu học trở lên phải có trình độ Đại học. Tuy nhiên, qua giám sát thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều ý kiến còn băn khoăn về vấn đề này. Thực tế, nếu có bằng Đại học ngành Mỹ thuật, Công nghệ thông tin hay Âm nhạc thì với mức lương hiện nay, họ lại không đến với nghề dạy học.
Từ những bất cập này, thời gian tới, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền lương. Mức lương cơ bản cũng sẽ được nâng lên.
Các đơn vị cũng tiếp tục đề xuất để tiền lương của giáo viên, nhân viên trường học; bác sĩ, nhân viên y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh cần được nghiên cứu, có cách tính phù hợp để động viên hai lực lượng này, đảm bảo số lượng và giữ chân được người giỏi.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ giám sát thực hiện cơ chế tự chủ, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn. Đoàn mong muốn, các đơn vị của ngành Giáo dục, Y tế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, quy định để đảm bảo các đơn vị sự nghiệp hoạt động tốt nhất, nhất là về nguồn thu.
Trong đó, các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất giải pháp khai thác tốt nhất cơ sở vật chất trong điều kiện hiện nay; cơ chế để đảm bảo về trang thiết bị, cơ chế hợp tác trong sử dụng tài sản công…/.