Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội

Trần Văn Hoạt| 08/07/2021 08:54

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục đích, lý tưởng, khát vọng giải phóng con người, đem lại hạnh phúc cho con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam

Khi cuộc khủng hoảng con đường cứu nước ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước sẽ không giải phóng được dân tộc, Người đã xác định: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Với khát vọng tột bậc đó, ngày 5/6/1911 trên con tàu Amiral Latouche Tréville, Người rời bến cảng Sài Gòn đi Pháp, bắt đầu một cuộc hành trình lịch sử - đi tìm con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc.

Trải qua gần 10 năm đầy gian truân và thử thách, Người đã đi khắp các châu lục khảo sát nhiều nước thuộc địa và các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp... Khi tiếp cận Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tìm thấy lý tưởng một xã hội nhân đạo, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện tự do cho tất cả mọi người”. Nghiên cứu Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Người khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”. Người đã chỉ ra, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam và quyết định lựa chọn đi theo CNXH cho cách mạng Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để đi tới CNXH. CNXH là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ. Trong cách mạng dân tộc, độc lập dân tộc bao hàm cả nội dung dân tộc và dân chủ. Độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của Nhân dân; xóa bỏ triệt để tình trạng áp bức, bóc lột, bất công và sự nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác. Để giành độc lập dân tộc và tiến lên CNXH, Người đã chỉ ra vai trò lãnh đạo cách mạng tất yếu thuộc về giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ ra việc xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản là điều kiện cơ bản để độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cách mạng Việt Nam không thể vận động theo cách mạng vô sản và chắc chắn sự nghiệp độc lập dân tộc sẽ đi theo vết xe đổ của các phong trào cứu nước trước đó.

Phù hợp với  từng giai đoạn

Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng. Giai đoạn 1930-1945, Người chỉ ra cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, Nhân dân lao động, với toàn thể dân tộc bị nô lệ dưới ách đế quốc Pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi. Đó là thắng lợi lịch sử đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng giải phóng dân tộc thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được hưởng tự do độc lập, thực tế Việt Nam đã là một nước tự do và độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào.

Giai đoạn 1945-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực thi nhất quán đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, vận dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo phương pháp “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân, tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế để phân hóa, cô lập kẻ thù, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đạt được nhiều thắng lợi huy hoàng, mang tầm quốc tế. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của Nhân dân Việt Nam, đồng thời là một thắng lợi của lực lượng hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Giai đoạn 1954-1975, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người, được Đảng và Nhân dân ta phát huy trung thành và giải quyết thành công trên tất cả các lĩnh vực. Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Đảng ta từ khi ra đời đến nay vẫn luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước hiện nay, chủ nghĩa đế quốc đang lợi dụng ưu thế về kinh tế và kỹ thuật, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” can thiệp vào công việc nội bộ các nước, buộc các nước xã hội chủ nghĩa đi vào quỹ đạo của chúng. Vấn đề độc lập dân tộc và CNXH được Đảng ta chú ý toàn diện, từ độc lập về lãnh thổ, chủ quyền an ninh quốc gia đến độc lập, tự do về kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống và đạo đức xã hội. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO