Kiên định đường lối đối ngoại hòa bình

Cao Bá Hoàng| 05/07/2021 09:14

Trong quá trình xây dựng, giữ nước hàng ngàn năm qua, ông cha ta đã định hình đường lối đối ngoại, hòa bình hợp tác nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng nên đất nước thái bình thịnh trị “đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chiến lược đó được nâng lên trong thời đại Hồ Chí Minh với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhằm xây dựng nền hòa bình, độc lập cho nước nhà.

Việt Nam hiện là thành viên của các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực. Ảnh: Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc phát biểu tại cuộc họp do Hội đồng Bảo an tổ chức ngày 10/6/2021. Ảnh tư liệu

Giữ vững môi trường hòa bình

Trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu của công tác đối ngoại là “giữ vững môi trường hòa bình” để phát triển đất nước. Đồng thời, Đảng khẳng định: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH, lấy việc giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”. 

Trong quá trình đổi mới, đất nước ta đã lập một môi trường trong nước; môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, là điểm đến của các nhà đầu tư; là bạn với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; là thành viên của các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực. Thành tựu đó, được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những thành tựu, vị thế của Việt Nam cũng đặt ra những thách thức cho đất nước ta hiện nay, nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Để cụ thể hóa khát vọng đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại hiện nay, với mục tiêu tổng quát là: “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”, để phát triển và xây dựng CNXH.

Tạo lập môi trường hòa bình

Bối cảnh thế giới, khu vực có những bất lợi như đại dịch Covid-19 khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu vực. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan; chủ nghĩa cường quyền áp đặt; chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ,… tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực.

Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Những yếu tố đó tác động đến môi trường an ninh chính trị, an ninh kinh tế, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập, phát triển đất nước và xây dựng CNXH do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.

Xây dựng CNXH là sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi hoạt động đối ngoại cần kiên định mục tiêu tạo lập môi trường hòa bình, ổn định. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần có sự nhận thức sâu sắc khách quan, toàn diện, đa chiều để lãnh đạo, tuyên truyền, định hướng dư luận, biến những yếu tố bất lợi, nguy cơ thành cơ hội, tạo động lực cho sự huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.

Thực tiễn quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như các nước trên thế giới đã khẳng định, chỉ khi tạo lập môi trường hòa bình mới tạo điều kiện cho huy động các nguồn lực để phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, để thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH cần “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Khát vọng hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước luôn được Đảng, Nhà nước ta triển khai đồng bộ và được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục được Đảng ta kiên trì thực hiện, với tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/kien-dinh-duong-loi-doi-ngoai-hoa-binh-87343.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/kien-dinh-duong-loi-doi-ngoai-hoa-binh-87343.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kiên định đường lối đối ngoại hòa bình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO