Tháng 5/2022, chị C.L.Q nhận chuyển nhượng 150m2 (bao gồm cả đất ở và nhà) thuộc phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa). Hai bên tự thỏa thuận giá, lập hợp đồng đặt cọc, thống nhất ranh giới lô đất.
Trong đó, bên mua chịu trách nhiệm làm thủ tục tách thửa từ lô đất chuyển nhượng. Thế nhưng, khi làm thủ tục đo đạc để tách thửa, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Gia Nghĩa chỉ công nhận quyền sử dụng đất của bên bán là 129m2 (hụt 21m2).
Nguyên nhân là do 21m2 trong thửa đất này trước đây đã được Nhà nước thu hồi để làm đường, nhưng không sử dụng hết. Bên mua không đồng ý với số liệu trên, nên yêu cầu bên bán phải đo đủ số đất 150m2.
Bên bán cũng không đồng ý với yêu cầu này. Vì ranh giới hai bên đã thống nhất ngoài thực địa. Hai bên xảy ra tranh chấp, nếu không thỏa thuận được sẽ phải khởi kiện ra tòa án.
Theo một luật sư tại TP. Gia Nghĩa, trong trường hợp này, nếu 2 bên đồng ý đàm phán, bên bán sẽ phải bồi thường một số tiền nhất định cho bên mua. Nếu bên mua không đồng ý, hai bên sẽ phải khởi kiện ra tòa án.
Trong trường hợp này, bên bán có nguy cơ thua kiện lớn hơn, vì không thực hiện đúng nội dung như trong hợp đồng (bán 150m2 đất).
TP. Gia Nghĩa đã thu hồi đất của nhiều người dân để triển khai các dự án phát triển hạ tầng, nhưng chưa sử dụng hết |
Một vụ việc khác liên quan đến đất dôi dư tại phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) còn phức tạp hơn. Trong đó, người sử dụng đất hiện tại là gia đình ông H.V.T nhận chuyển nhượng thửa đất tại trục đường chính ở phường Nghĩa Thành vào năm 2018.
Trên sổ đỏ, thửa đất này có tổng diện tích 345m2. Sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông T đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Năm 2020, ông T tiếp tục làm thủ tục đăng ký thế chấp vay vốn ngân hàng.
Lần này, ông bị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Gia Nghĩa trả hồ sơ. Nguyên nhân là do sổ đỏ của ông có một phần diện tích (hơn 180m2) thuộc đất dôi dư của Dự án đường Bắc Nam giai đoạn 1, nên không được đăng ký thế chấp.
Ông T cho rằng, sự việc này UBND TP. Gia Nghĩa đã thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, UBND TP. Gia Nghĩa không thu hồi sổ đỏ ngay tại thời điểm thu hồi đất để chỉnh lý cho gia đình ông.
Theo ông T, việc không được đăng ký thế chấp đã gây ra nhiều thiệt hại cho gia đình. Bởi vì không vay được tiền từ ngân hàng, nên ông không đủ tiền trả nợ cho người khác, dẫn đến bị khởi kiện.
Sau đó, tòa án đã thực hiện kê biên, bán đấu giá chính thửa đất của ông để trả nợ cho các khoản vay. Hiện ông T đã làm đơn yêu cầu ngừng thi hành quyết định kê biên, bán đấu giá tài sản đối với gia đình ông.
Ông T đã làm đơn tố cáo lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa, các phòng ban, cán bộ có liên quan vì có dấu hiệu sai phạm trong vụ việc, gây thiệt hại cho gia đình ông.
Trên đây là 2 trong nhiều trường hợp có tranh chấp liên quan đến đất dôi dư. Theo lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa, trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị, Nhà nước đã thu hồi nhiều diện tích đất của người dân để xây dựng hạ tầng. Nhưng trong quá trình triển khai, một số công trình không sử dụng hết phần đất thu hồi, dẫn đến nhiều diện tích dôi dư.
Phần lớn những diện tích đất dôi dư là manh mún, nhỏ lẻ, nằm liền kề với đất của người dân, tiếp giáp với đường giao thông và đang được người dân tạm sử dụng, lấn chiếm.
Dù nhỏ lẻ, nhưng tổng diện tích đất dôi dư trên địa bàn TP. Gia Nghĩa cũng lên tới hàng chục ha. Phần lớn đất dôi dư nằm ở các vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao.