"Kiếm Tết" từ bánh chưng

Thanh Nga| 06/01/2023 06:13

Càng giáp Tết Nguyên đán, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), càng bận rộn với công việc gói, nấu bánh chưng. Gia đình bà Lan làm nghề nấu bánh chưng nhiều năm qua và Tết là dịp để kiếm thu nhập.

Đại gia đình gói bánh chưng

Bà Lan cho biết, nấu bánh chưng là nghề truyền thống của gia đình. Từ bé, bà đã sớm được học hỏi nghề nấu bánh từ ông bà, bố mẹ, anh chị.

Năm 2004, vợ chồng bà cùng các con rời quê hương Bắc Ninh đến lập nghiệp tại Gia Nghĩa. "Trong 19 năm gắn bó với Gia Nghĩa, chúng tôi có tới 15 năm làm nghề nấu bánh chưng", bà Lan cho biết.

Những năm đầu mới đến sinh sống tại Gia Nghĩa, như bao nông dân khác, gia đình bà Lan cũng trồng cà phê, hồ tiêu. Năm 2007, thấy đô thị ngày càng phát triển, nhu cầu thưởng thức bánh chưng trong các dịp lễ, tết ngày càng nhiều, nên bà quyết định làm thêm nghề nấu bánh chưng.

"Năm đó, trong tháng Tết, mỗi ngày gia đình gói khoảng 500 cái bánh chưng, tương đương trên 2 tạ gạo, đậu, thịt. Hàng hóa ngày Tết được làm đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó", bà Lan chia sẻ.

Kho nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng và đậu xanh được bà Lan mua từ Bắc Ninh vào Đắk Nông

Nghề nấu bánh chưng đã được bà Lan truyền lại cho tất cả 7 thành viên trong gia đình gồm chồng, con và các cháu. 3 thế hệ trong gia đình bà Lan, ai cũng gói bánh vừa nhanh, vừa đẹp mắt, cho thấy, họ rất quý trọng và trau dồi công việc.

Chị Ngô Thị Phượng, con gái bà Lan cho biết, gia đình đặt mua nếp cái hoa vàng, đậu xanh từ Bắc Ninh vào Đắk Nông để gói bánh chưng. Hương vị thơm dịu của nếp cái hoa vàng, kết hợp với vị bùi của đậu xanh, vị thơm nồng của hồ tiêu Tây Nguyên, làm cho bánh chưng rất đậm đà.

Cháu ngoại bà Lan, em Nguyễn Văn Hùng, hàng ngày được chứng kiến ông bà, bố mẹ gói bánh chưng, nên rất thích học hỏi. Vào 4 năm trước, lúc đó cháu mới 10 tuổi đã biết gói những cái bánh chưng đầu tiên để phụ giúp gia đình phục vụ Tết.

Dịp Tết, mỗi ngày gia đình bà Lan gói hơn 2.000 cái bánh chưng phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh

Thu nhập cao nhờ ngày Tết

Hiện nay, bánh chưng của gia đình bà Lan không chỉ bán cho các hộ kinh doanh, nhà hàng tại các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn mở rộng thị trường sang TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng…

“Hàng năm, bắt đầu từ ngày 10/12 âm lịch, trung bình mỗi ngày, gia đình gói trên 2.000 cái bánh chưng, gấp 10 lần ngày thường. Tất cả bánh đều được các hộ bán lẻ, nhà hàng đặt từ trước”, bà Lan vui vẻ cho biết.

Theo ông Ngô Sỹ Vượng, chồng của Lan, để có bánh chưng ngon, đẹp mắt, đòi hỏi nguyên liệu phải sạch, bảo đảm chất lượng. Người gói bánh chưng phải khéo léo, có tâm huyết.

Gia đình gói bánh bằng tay và không sử dụng khuôn để bánh chặt, khi chín bảo quản được lâu. Thời tiết dịp Tết ở miền Nam có thể để bánh hơn 1 tuần, miền Bắc có thể đến 2 tuần.

Vợ chồng bà Lan chuẩn bị nấu bánh chưng

Bánh được gói bằng lá dong xanh, buộc lạt mềm và gói phải vuông thành sắc cạnh. Để có cặp bánh ngon và đẹp cho khách hàng chưng Tết phải mất rất nhiều công.

Bánh được đun bằng củi và mất tới 9 giờ đồng hồ mới chín. Trong quá trình nấu bánh, phải chăm sóc chu đáo, chêm nước thường xuyên, cách vài giờ lại đảo bánh một lần.

Theo tính toán của gia đình bà Lan, chỉ trong dịp Tết, thu nhập từ nấu bánh chưng sau khi trừ chi phí có thể đem về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Dù có vất vả hơn ngày thường, nhưng được bù lại bằng nguồn thu nhập cao, nên gia đình rất vui vẻ.

Cũng theo ông Vượng, ngày thường, cứ cuối buổi chiều là các thành viên trong gia đình tập trung lại để gói bánh trong khoảng 1 giờ và được khoảng 200 cái. Bánh sau khi gói khoảng 1 giờ  là phải nhóm bếp nấu ngay mới thơm ngon.

"Nghề này chủ yếu lấy công làm lãi, những ngày Tết, số lượng khách hàng đặt bánh nhiều, nên thu nhập khấm khá hơn", ông Vượng cho biết.

Bà Lan đã duy trì nghề nấu bánh chưng từ Bắc Ninh vào Đắk Nông

Đối với các thành viên trong gia đình bà Lan, trong dịp Tết, mỗi người được phân công phụ trách mỗi việc cụ thể như hái lá, chẻ lạt, rửa lá, nhóm lửa, ướp thịt, vò gạo... Khi gói bánh, người gói, người buộc, người sắp bánh vào nồi và nấu… tạo thành một dây chuyền khá chuyên nghiệp.

Với tất cả thành viên trong gia đình, nghề nấu bánh chưng luôn mang lại niềm vui. Nhiều người thưởng thức bánh chưng của gia đình thấy đậm hương vị truyền thống và ngon nên cứ thế “tiếng thơm” đồn xa.

Nhiều vị khách ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, vào dịp Tết còn mua bánh chưng gửi cho người thân hoặc biếu bạn hữu đang sinh sống ở các nước để được thưởng thức hương vị Tết của quê nhà...

Một số sở, ngành trong tỉnh khi có các sự kiện hoặc hội nghị đều đến gia đình đặt bánh chưng để đãi tiệc. "Những bữa tiệc ấy còn có cả người nước ngoài thưởng thức và khen bánh chưng ngon. Đây chính là động lực để gia đình giữ nghề truyền thống của dân tộc Việt", bà Lan chia sẻ.

Nói về hương vị Tết Việt, chúng ta lại ngâm nga đôi câu đối:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Dịp Tết đến, xuân về, trong mâm lễ thờ cúng gia tiên và bữa tiệc của mỗi gia đình Việt nhất định phải có bánh chưng xanh thì mới có không khí Tết. Mọi người quây quần bên mâm cơm ngày Tết, thưởng thức các món ngon trong đó có bánh chưng và tâm tình kể chuyện cuộc sống là phong tục có từ xa xưa.

Bánh chưng xanh trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến và đó là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời.

Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình không có điều kiện nấu bánh chưng. Vì thế, những gia đình duy trì nghề nấu bánh chưng như bà Lan đã và đang góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc và niềm tự hào, trân quý những giá trị tốt đẹp của người Việt.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/kiem-tet-tu-banh-chung-96963.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/kiem-tet-tu-banh-chung-96963.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        "Kiếm Tết" từ bánh chưng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO