Kiểm soát và chuẩn hóa giống cây trồng (kỳ 2): Nỗi niềm nghiên cứu và ứng dụng

Lê Dung| 22/03/2022 08:59

Thời gian qua, việc triển khai nghiên cứu các loại giống cây trồng trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tuy nhiên, số lượng nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào trong thực tiễn lại rất hạn chế.

ADQuảng cáo

Lưu giữ nhiều nguồn gen quý

Tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ (thuộc Sở KHCN) hiện đang lưu giữ rất nhiều nguồn gen quý của các loại cây trồng bản địa lấy từ trên rừng. Nếu được đầu tư về hạ tầng cơ sở, trung tâm sẽ sản xuất nhiều loại giống tốt để đưa ra trồng thương phẩm.

Đơn vị cũng đang triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất hoa Lan Hồ Điệp và hoa Đồng tiền”. Trong đó, dự án thực hiện ứng dụng các quy trình công nghệ về nhân giống, sản xuất hoa thương phẩm, điều khiển ra hoa theo mong muốn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Nông.

Trước đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiệm thu 1 nhiệm vụ về “Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm thực phẩm bảo vệ gan từ cao chiết cây An xoa tại tỉnh Đắk Nông”. Kết quả nghiên cứu đã định danh và công bố được 1 loại An xoa mới phân bố tại Đắk Nông. Nhiệm vụ đã được nghiệm thu và được Hội đồng đánh giá đạt loại xuất sắc.

Nhiều nguồn gen cây trồng bản địa quý được lưu giữ nuôi cấy mô tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ

Một số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh cũng tập trung triển khai công tác bảo tồn và phát triển giá trị cho cây dược liệu. Các nhiệm vụ đang thực hiện nghiên cứu nhân giống, trồng thử nghiệm cây mật nhân, nghiên cứu một số loại cây dược liệu quý hiếm khác…

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống cây trồng sạch bệnh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện nuôi cấy mô đối với “Giống cây hồ tiêu”. Đến nay, cây giống bước đầu cho kết quả khả quan và đang tiến hành sản xuất thử để có cơ sở đánh giá và nhân rộng đại trà cung ứng cho người dân trên địa bàn…

Nhiều dự án nguy cơ “đóng băng”

Nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN được nghiên cứu thành công, nhưng đang có nguy cơ phải "đóng băng” do không được triển khai nhân rộng trong thực tiễn.

Theo ông Lưu Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KHCN, thực tế, Sở không phải là cơ quan sản xuất giống, mà chỉ là đơn vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các nhiệm vụ KHCN hàng năm gần như là do đơn vị xây dựng, chứ không được các ngành liên quan chủ động đặt hàng.

ADQuảng cáo

Do đó, trách nhiệm và tính ứng dụng trong thực tiễn không cao. Trong khi đó, kinh phí để chuyển giao, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn lại không có nên hầu như các dự án sau nghiên cứu đều ít được quan tâm.

Thực tế, trước đó đã có một số nhiệm vụ được phối hợp triển khai thực hiện và chuyển giao, nhưng đến nay vẫn không mang lại hiệu quả.

1,2 ha tại Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ đang được sử dụng để trồng các loại rau, hoa, nhưng nguy cơ sạt lở rất lớn

Đơn cử như nhiệm vụ về tuyển chọn cây đầu dòng sầu riêng ở Đắk Mil do Sở KHCN phối hợp với Viện Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai từ năm 2007-2008. Kết quả đã sơ tuyển được 18 cây sầu riêng và tuyển chọn được 8 cá thể sầu riêng ưu tú.

Các cây trồng này đã được công nhận là cây đầu dòng để làm cơ sở cho việc nhân giống phục vụ sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, đến nay, việc theo dõi cũng như đánh giá lại khả năng sinh trưởng phát triển của vườn lưu giữ nguồn gen các cá thể sầu riêng này vẫn “thả nổi”.

Một khó khăn nữa đó là vị trí để triển khai nhân rộng các nhiệm vụ KHCN sau nghiên cứu. Hiện nay, Sở KHCN đang có 2 địa điểm để phục vụ cho việc triển khai nhân rộng các nhiệm vụ, nhưng đều gặp vướng mắc.

Trong đó, Trạm ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) có diện tích là 5 ha, nhưng đến nay vẫn không thể đền bù để lấy đất triển khai các dự án.

Ngay tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN cũng vậy. Vừa qua, đơn vị mới được UBND tỉnh cho chủ trương sử dụng 1,2 ha phía sau để triển khai các mô hình thực nghiệm.

Hiện tại, đơn vị đang triển khai một số nhiệm vụ KHCN về trồng hoa, rau thủy canh… Tuy nhiên, hạ tầng về thoát nước, hàng rào... ở đây lại không có. Thế đất dốc nên rất dễ gây sạt lở, nhất là vào mùa mưa.

Đề tài, nhiệm vụ KHCN nhiều, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng không bảo đảm. Do đó, tính ứng dụng trong thực tiễn của nhiều giống cây trồng sau khi nghiên cứu, thuần chủng của tỉnh chưa mang lại hiệu quả cao, gây ra nhiều lãng phí cho ngân sách.

>> Kỳ 3: Kỳ vọng từ nguồn giống tại chỗ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát và chuẩn hóa giống cây trồng (kỳ 2): Nỗi niềm nghiên cứu và ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO