Kiểm soát quyền lực Nhà nước ở địa phương trong phòng, chống tham nhũng
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, Nhân dân; đẩy mạnh đấu tranh chống “tham nhũng vặt”… là những giải pháp được nêu tại Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực Nhà nước ở địa phương trong phòng, chống tham nhũng (PCTN)” do Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây.
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực
Theo ông Dương Huy Toàn, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, thời gian qua, Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần PCTN, tiêu cực. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa tương xứng. Theo báo cáo tổng hợp đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2021 của Thanh tra Chính phủ (PACA INDEX 2021) cho thấy, tỉnh Đắk Nông chỉ đạt 61,21 điểm, thấp hơn điểm bình chung cả nước (62,12 điểm), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Vì vậy, theo ông Toàn, để kiểm soát quyền lực nhà nước trong PCTN, các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy cần tiếp tục tham mưu quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu; tập trung chỉ đạo phòng, chống 19 hành vi tiêu cực theo Hướng dẫn số 25, ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh vi phạm trong thực thi nhiệm vụ của các cá nhân, cơ quan, đơn vị này cần được tăng cường như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”.
Các cấp, ngành cần tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ; phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội kiểm soát quyền lực.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, Nhân dân
Nhân dân là tai mắt của Đảng, chính quyền, do đó, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội trên các lĩnh vực, nhất là cán bộ, đảng viên là rất cần thiết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vương, Giảng viên kiêm nhiệm Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông khẳng định, thời gian qua, MTTQ tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia kiểm soát quyền nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Riêng năm 2022, MTTQ các cấp tỉnh Đắk Nông đã phối hợp tổ chức 64 hội nghị tiếp xúc cử tri với ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh; 1.580 hội nghị tuyên truyền pháp luật; 654 cuộc giám sát có nội dung liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân. Qua các hoạt động, MTTQ các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước, thực thi các chính sách để phản ánh cho các cơ quan liên quan.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vương và một số đại biểu, để phát huy vai trò, Đắk Nông tiếp tục quan tâm xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy MTTQ tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy các cấp có giải pháp đổi mới công tác quản lý, điều hành của MTTQ các cấp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động để tập trung đi sâu, đi sát cơ sở tiếp cận và nắm rõ tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ đó, MTTQ sẽ có những đánh giá, chính kiến và kiến nghị về chính sách, quy định sát hợp thực tiễn.
MTTQ các cấp cần thiết lập các kênh thông tin để nắm chắc tình hình Nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bên cạnh đó, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để báo chí, các cơ quan công luận hoạt động. Đây được xem là cơ quan có vai trò quan trọng trong thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với công tác quản lý của bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.
Chú trọng đấu tranh chống “tham nhũng vặt”
Một vấn đề nữa được các đại biểu đề cập đó là để công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực hiệu quả thì cần đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống “tham nhũng vặt”. Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Đề án số 09, ngày 8/8/2019 về đấu tranh phòng, chống “tham nhũng vặt” trong hệ thống chính trị tỉnh, với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là: “Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tham nhũng vặt" trong hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
UBND tỉnh cụ thể hóa thành Kế hoạch số 473 ngày 11/9/2019 về thực hiện Đề án số 09. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Qua 3 năm thực hiện Đề án số 09, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực đã được triển khai quyết liệt trên nhiều lĩnh vực. Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố mới 14 vụ/27 bị can, trong đó có 7 vụ/12 bị can “tham nhũng vặt”. TAND các cấp đã xét xử 15 vụ/53 bị cáo về tội tham nhũng kinh tế, trong đó có 10 vụ/16 bị cáo thuộc hành vi “tham nhũng vặt”... được Nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận đánh giá cao, bảo đảm giáo dục, phòng ngừa chung.
Để công tác kiểm soát quyền lực Nhà nước trong đấu tranh PCTN, nhất là “tham nhũng vặt” tiếp tục đạt nhiều kết quả, theo các đại biểu Đắk Nông tiếp tục kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Địa phương chủ động nhận diện, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực".... tạo sự răn đe, chuyển biến, lan tỏa. Tỉnh có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực…