Đại dịch chưa kết thúc
Nhận định được đưa ra trên cơ sở phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo. Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới tuần qua đang chứng minh đánh giá của WHO rằng "đại dịch còn lâu mới kết thúc”. Tuần qua ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu vượt con số 5 triệu. Giới chuyên gia nhận định làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang bùng phát tại châu Âu, trong khi một số nước châu Á cảnh giác trước việc số ca nhiễm tăng cao và sự xuất hiện của một dạng biến thể "Delta plus".
Các chuyên gia khẳng định ngoài việc dịch bệnh do vi rút thường bùng phát mạnh vào mùa đông, sự xuất hiện của các biến thể mới là yếu tố khiến dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt. WHO đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới. So với Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần vi rút bám vào tế bào của người.
Một nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một phụ nữ ở Kuala Lumpur, Malaysia |
Sống chung an toàn
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học của WHO cho rằng thế giới cần xác định tầm nhìn dài hạn để sống chung an toàn với Covid-19, để có thể kiểm soát đại dịch về lâu dài. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
WHO khẳng định việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền vi rút SARS CoV-2, bên cạnh việc tiếp tục tiêm vắc xin. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng về vắc xin giữa các khu vực không chỉ khiến dịch bệnh kéo dài mà còn ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế.
WHO thống kê, khoảng 75% tổng số vắc xin được tiêm trên toàn cầu là ở các nước giàu, trong khi ở các nước kém phát triển châu Phi, trung bình mới chỉ khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới đã có những công cụ cần thiết để kiểm soát đại dịch, và khả năng đại dịch có kết thúc hay không “nằm trong tay chúng ta”. Tuy nhiên, theo ông “với gần 50.000 ca tử vong mỗi tuần, đại dịch còn lâu mới kết thúc”. Điều đó cho thấy thế giới đang sử dụng chưa tốt những công cụ đang có để kiểm soát dịch, đặc biệt là vắc xin.
Sự xuất hiện của những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn đòi hỏi thế giới phải thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu và kéo dài như đại dịch Covid-19, bởi “không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới”. Đó là tầm nhìn dài hạn mà thế giới cần xác định để kiểm soát hiệu quả, lâu dài Covid-19 và cũng để giải quyết mọi thách thức toàn cầu trong tương lai.