Kích hoạt lại 1 triệu tỷ đồng vốn 'đắp chiếu' cho nền kinh tế

Thanh Cao| 23/04/2025 14:18

Quy mô nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn khiến các ngân hàng rơi vào tình thế bị kẹt dòng vốn, không thể tái đầu tư hiệu quả. Đồng thời, họ vẫn phải chi trả lãi suất cho người gửi tiền và buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm hao hụt một phần đáng kể lợi nhuận để xử lý "gánh nặng" nợ khổng lồ này.

Nợ xấu leo thang do ý thức trả nợ giảm sút

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu được thực thi, ý thức trả nợ của khách hàng rất kém, họ không hợp tác, không giao tài sản và nhiều người cố tình tạo ra tranh chấp để kéo dài thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, đặc biệt là chính sách cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ý thức trả nợ của khách hàng đã có sự cải thiện đáng kể. Trước khi Nghị quyết 42 ra đời, chỉ có 20% khách hàng tự nguyện trả nợ, nhưng sau khi Nghị quyết này có hiệu lực, tỷ lệ này đã tăng lên 36%. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của người dân lại giảm sút.

"Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu đã tăng lên 34.000 tỷ đồng, đẩy tổng nợ xấu lên 1,06 triệu tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 833.000 tỷ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 99.000 tỷ đồng (giảm), nợ xấu tiềm ẩn rủi ro là 130.000 tỷ đồng, chưa kể 63.000 tỷ đồng được cơ cấu nợ theo Thông tư 02 nhưng đã hết hiệu lực," ông Hùng chia sẻ lo ngại.

Nợ xấu gia tăng đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu hiện tại là "vốn chết", không thể sử dụng. Không chỉ nguồn tín dụng, mà cả tài sản thế chấp gắn với các khoản vay cũng không thể khai thác do vướng mắc về rủi ro pháp lý.

"Đây là một con số rất lớn, gây lãng phí nguồn lực trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang thiếu vốn. Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của ngân hàng mà còn làm cho mặt bằng lãi suất tại Việt Nam trở nên cao," ông Bình cho biết.

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực Nam Sông Hồng (Ngân hàng Eximbank) cho biết, ngân hàng không mong muốn phải kê biên tài sản của khách hàng, mà chỉ muốn khách hàng có ý thức hợp tác hơn trong quá trình trả nợ khi ký hợp đồng tín dụng.

"Chính phủ mong muốn giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng điều này rất khó khăn đối với các ngân hàng khi vẫn còn một lượng lớn nợ xấu chưa giải quyết. Để xử lý nợ xấu, hầu hết các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận, buộc ngân hàng phải tìm cách gia tăng thu nhập từ huy động và cho vay, khiến mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng," ông Vương khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng, để giải phóng hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu và nợ tiềm ẩn, đồng thời tạo ra dòng vốn cho nền kinh tế và hạ lãi suất, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ khi vay vốn. Việc chây ỳ trả nợ không chỉ làm môi trường kinh doanh trở nên không lành mạnh mà còn gây tắc nghẽn dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế.

Kích hoạt lại 1 triệu tỷ đồng vốn “đắp chiếu” cho nền kinh tế
uy mô nợ xấu và nợ tiềm ẩn hiện đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn khiến các ngân hàng rơi vào tình thế bị kẹt dòng vốn, không thể tái đầu tư hiệu quả.

Luật hóa quyền thu giữ tài sản: Ngân hàng có vượt quyền hạn?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng đã được Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra sơ bộ. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào ngày 23/4 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025. Nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo là quy định về việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng khi có sự đồng ý từ phía khách vay.

Với thực tế gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nhiều đại biểu Quốc hội đã ủng hộ việc luật hóa quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại rằng việc này có thể dẫn đến việc ngân hàng lạm dụng quyền lực.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng BIDV, cho biết mặc dù Nghị quyết 42 cho phép tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng các ngân hàng luôn rất thận trọng khi áp dụng biện pháp này. Trong suốt 6 năm thực hiện Nghị quyết 42, BIDV chỉ thực hiện 85 hồ sơ theo quy định.

Bà Phương nhấn mạnh: "Việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải là một đặc quyền hay phép màu của các tổ chức tín dụng. Dù Nghị quyết 42 cho phép, nhưng khi thực hiện biện pháp mạnh như thu giữ tài sản, tổ chức tín dụng cũng phải cẩn trọng, đảm bảo hợp pháp và hài hòa giữa lợi ích các bên, không thể lạm dụng quyền lực. Đây chỉ là công cụ pháp lý giúp khách hàng có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình, đồng thời ngăn ngừa hành vi bội tín hợp đồng."

Các lãnh đạo ngân hàng cũng nhấn mạnh rằng nguồn tiền cho vay của ngân hàng là từ tiền huy động của người dân, vì vậy, việc thu hồi nợ không chỉ đảm bảo kết quả kinh doanh mà còn giúp bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đồng tình với việc luật hóa một số điều của Nghị quyết 42 vào Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Bà cho rằng quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của ngân hàng mà còn bảo vệ tiền gửi của người dân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng, mặc dù việc luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, nhưng cũng cần phải có những quy định chặt chẽ về nguyên tắc và điều kiện áp dụng để tránh lạm dụng.

Quan trọng hơn hết là ngân hàng và khách hàng phải xây dựng được văn hóa vay vốn lành mạnh, ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, và khách hàng có ý thức trả nợ. Khi đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm sẽ không cần thiết.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/kich-hoat-lai-1-trieu-ty-dong-von-dap-chieu-cho-nen-kinh-te-138878.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/kich-hoat-lai-1-trieu-ty-dong-von-dap-chieu-cho-nen-kinh-te-138878.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Kích hoạt lại 1 triệu tỷ đồng vốn 'đắp chiếu' cho nền kinh tế
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO