Khuyến nông gắn liền với “tam nông”

Kim Ngân| 16/02/2023 15:30

Thời gian qua, ngành Khuyến nông Đắk Nông đã có những đóng góp tích cực trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông nghiệp. Trong đó, ngành Khuyến nông đã góp phần đưa“tam nông” phát triển theo hướng bền vững.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập.

Năm 2010, gia đình ông Điểu D’rây, ở bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực (Tuy Đức) được Trung tâm hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng hơn 1 ha cây mắc ca. Đến nay, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định từ cây mắc ca.

Ông Điểu D’rây cho biết: “Mỗi vụ, gia đình thu được khoảng 1 tấn mắc ca. Với giá bán dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 80 triệu đồng/năm từ vườn mắc ca”.

Ông Điểu D’rây (bên phải), bon Bu Prăng I, xã Quảng Trực tham gia mô hình khuyến nông trồng mắc ca từ năm 2010

Năm 2022, gia đình ông Hoàng Văn Lùng, ở thôn 7, xã Đắk D’rông (Cư Jút) và 40 hộ dân trong xã rất phấn khởi khi tham gia mô hình trồng thâm canh lúa thuần Nàng Hoa 9 do Trung tâm Khuyên nông tỉnh triển khai.

Theo ông Lùng, lúa Nàng Hoa 9 cho năng suất khá, giá bán cao, trong khi chi phí đầu tư thấp, nên lợi nhuận khá hơn giống lúa thường.

Ông Lùng cho hay: “Năng suất lúa Nàng Hoa 9 bình quân ước đạt hơn 7 tấn/ha/vụ, giá bán hiện 6,5 triệu đồng/tấn, bà con thu về hơn 16 triệu đồng/ha/vụ”.

Theo bà Hoàng Mai Thu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút, ngành Khuyến nông đã, đang phát huy tốt vai trò “bà đỡ” cho nông dân.

Cán bộ khuyến nông đến với nông dân, cung cấp kịp thời cho nông dân về tiến bộ kỹ thuật, giúp bà con nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Ngành Khuyến nông đã từng bước tạo cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đáp ứng với yêu cầu phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) tại địa phương.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề án triển khai các mô hình trồng hoa ly, dưa lưới trong nhà màng; mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Nhân viên khuyến nông kiểm tra sâu bệnh vườn cây tại Buôn U, xã Đắk D'rông (Cư Jút)

Qua các mô hình này, Trung tâm đã giúp người dân tích lũy được kiến thức, nắm vững được quy trình kỹ thuật, từ đó mạnh dạn đầu tư, nhân rộng sản xuất.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, thời gian qua, hệ thống khuyến nông trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, viện, trường đại học thực hiện hiệu quả nhiều mô nông, lâm, thủy sản.

Các mô hình này đã giúp cho người dân tiếp cận, học tập được nhiều khoa học, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 50 mô hình được triển khai, với trên 6.000 hộ dân tham gia đã phát huy hiệu quả kinh tế.

Nổi bật như mô hình nuôi gà thả vườn, gà J-Dabaco với số lượng trên 60.000 con; mô hình cải tạo đàn bò trên 800 con; mô hình sản xuất cà phê bền vững hơn 300 ha….

Cùng với xây dựng mô hình thực nghiệm, Trung tâm chú trọng các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn. Hàng năm, Trung tâm tổ chức bình quân trên 145 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, với 5.500 lượt người tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

Trong đó, ngành Khuyến nông tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, của ngành Nông nghiệp, nhân rộng các mô hình khuyến nông, giúp người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khuyến nông gắn liền với “tam nông”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO