Gia đình ông Trần Văn Đình, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), có gần 3,4 ha cà phê. Hơn 2 năm qua, nhờ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nên gia đình ông tiết kiệm đáng kể các khoản chi phí chăm sóc cho vườn cây.
Trước đây, ông Đình phải mất gần 3 ngày đêm mới tưới xong diện tích cà phê. Gia đình cũng phải bố trí thêm người để bón phân. Thế nhưng, khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, thời gian tưới nước rút lại còn 1 ngày, việc bón phân cũng diễn ra dễ dàng hơn.
Theo ông Đình, ưu điểm của tưới nhỏ giọt là lượng nước tưới, phân bón được điều chỉnh vừa đủ, nên bảo đảm cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt trong một chu kỳ tưới. Quan trọng hơn là tiết kiệm nước rất nhiều.
Ông Trần Xuân Hoàn, ở thôn Đức Vinh, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cà phê |
Năm 2021, Trung tâm Thông tin kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Đắk Nông còn triển khai Dự án lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 10 hộ dân, với diện tích 20 ha cà phê tại huyện Đắk Mil.
Các thiết bị tưới nước nhỏ giọt kết hợp bón phân theo công nghệ Israel, giúp bà con hạn chế lãng phí nước, kiểm soát lượng phân bón thích hợp, tăng hiệu quả năng suất.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm (nhỏ giọt, phun mưa, phun sương), kết hợp tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 – 40%; giảm chi phí nhân công chăm sóc, tăng thu nhập cho nông hộ từ 20 – 40%. Trong đó, nhiều vườn sầu riêng tăng năng suất 170%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 – 40%.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đang có khoảng 180.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong đó, cây cà phê 130.000 ha, hồ tiêu 36.000 ha, cây ăn quả hơn 12.000 ha… Nhu cầu nước tưới hàng năm khoảng trên 500 triệu m3 nước. |
Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, thực tế việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh mới có khoảng gần 5.000 ha cây trồng áp dụng tưới nước tiết kiệm.
Nguyên nhân do vốn đầu tư ban đầu cho một mô hình tưới tiết kiệm hiện nay là khá cao, trung bình từ 60 - 80 triệu/ha. Đây thực sự là một khoản chi phí khá lớn, khiến nhiều người vẫn còn ngần ngại khi muốn tiếp cận với công nghệ này.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi, để khuyến khích, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, ngành chuyên môn, các địa phương cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân. Nhất là hỗ trợ một phần về đầu tư trang thiết bị, vay vốn với lãi suất thấp để bà con có điều kiện ứng dụng công nghệ tưới này.
Mặt khác, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tưới phù hợp với địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của từng tiểu vùng. Đồng thời, việc ứng dụng cần có sự tích hợp công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước để người dân giảm chi phí đầu tư.
Có như vậy, việc thực hiện kế hoạch tăng thêm 5.000 ha áp dụng tưới tiết kiệm trong giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh mới có thể trở thành hiện thực.