Không để lúng túng, bị động với thiên tai

Hồng Thoan| 16/03/2022 09:15

Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2022 được dự báo có nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn Đắk Nông. Do đó, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không lúng túng khi xảy ra thiên tai.

ADQuảng cáo

Theo ông Mai Văn Tùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Glong, năm 2021, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho địa phương. Do đó, năm 2022 này, huyện Đắk Glong đã chủ động các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT).

Trong đó, huyện rà soát kỹ càng các điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra thiên cao để có phương án phòng, chống ngay từ đầu. Huyện tổ chức cảnh báo nguy hiểm, truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về PCTT.

Còn theo ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, địa phương đang chú trọng các hoạt động hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn trên địa bàn.

Địa phương củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT, các đội tình nguyện viên cơ sở. Các phương án về di dời dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản đều được huyện lên kế hoạch đến thôn, bon, cụm dân cư, hộ dân, nhất là các khu vực mà những năm trước đã xảy ra thiên tai…

Mùa mưa bão luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) tỉnh Đắk Nông, năm 2022, tỉnh đối diện với các nguy cơ cao chủ yếu gồm: lốc xoáy, hạn hán, mưa lũ, sạt lở đất.

Đây đều là những loại thiên tai đã xảy ra gây hậu quả lớn tại các địa phương. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2021, các loại hình thiên tai này đã gây ra thiệt hại ước trên 120 tỷ đồng về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, tài sản, cây trồng, vật nuôi của người dân, Nhà nước.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đắk Nông đang tăng cường rà soát các phương án, xây dựng các kịch bản cụ thể ứng phó, sẵn sàng cao nhất với các tình huống thiên tai.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, tỉnh hướng đến sự chủ động trong công tác dự báo, nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ, lúng túng; bảo đảm an toàn thiên tai và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng được tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, từ lồng ghép các buổi ngoại khóa trong trường học, các buổi sinh hoạt tại khu, cụm dân cư, các hình thức trực quan khác…

Tỉnh tranh thủ tốt các nguồn vốn khác nhau để củng cố, đồng bộ hệ thống công trình, hạ tầng phòng, chống thiên tai như hệ thống kè dọc sông, suối, hồ đập, tưới tiêu, thoát lũ.

Song song với nguồn lực địa phương, Đắk Nông đã đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm các hạ tầng về quan trắc khí tượng, thủy văn để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đắk Nông củng cố, kiện toàn, phát huy cao vai trò của Ban Chỉ huy PCTT& TKCN các cấp; phát huy vai trò của người đứng đầu trong PCTT.

Tỉnh cũng nhấn mạnh việc duy trì chế độ trực, nắm bắt tình hình, báo cáo nhanh chóng, chính xác để tăng hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả.

Hiện nay, Đắk Nông đã hoàn thành việc lắp đặt phòng trực tuyến thông tin về thiên tai và kết nối thông suốt từ cấp huyện, tỉnh, trung ương để thuận lợi trong các mặt công tác.

Theo Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống thiên tai. Trong đó, chính quyền các huyện, thành phố đã có sự chủ động ngay từ đầu.

Tuy nhiên, thiên tai luôn xảy ra với các tình huống bất ngờ, ngoài dự kiến. Do đó, các cấp, ngành, đơn vị chức năng và người dân vẫn phải luôn luôn đề cao cảnh giác, hạn chế bị động trước thiên tai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để lúng túng, bị động với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO