Không để các đối tượng lợi dụng dịp tết để phá rừng

Đức Hùng| 06/01/2022 09:33

Cuối năm là thời điểm lâm tặc thường lợi dụng sơ hở của ngành chức năng, đơn vị chủ rừng để phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép. Do đó, các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ 11.150 ha rừng và đất lâm nghiệp (diện tích rừng 3.213 ha). Lâm phần của đơn vị trải dài trên địa giới hành chính nhiều xã của huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa.

Hằng năm, đơn vị đều xây dựng phương án và chủ động triển khai các giải pháp để quản lý, bảo vệ rừng dựa trên đặc thù rừng từng vị trí. Trong đó, đơn vị xác định, cao điểm phá rừng thường xảy ra vào các dịp lễ, tết trong năm.

Trên cơ sở đó, đơn vị tập trung duy trì 100% lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, đơn vị tăng ca, tăng số lượng người để tuần tra, kiểm soát, không để lâm tặc lợi dụng lễ, tết để xâm hại rừng.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của VQG Tà Đùng tuần tra rừng. Ảnh minh họa

Theo ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, đơn vị bố trí toàn bộ lực lượng túc trực 24/24h tại 3 chốt trạm. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng để tuần tra liên tục, bảo đảm lúc nào cũng có lực lượng trong rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng.

"Diện tích rừng của đơn vị được giao quản lý manh mún, nhiều vùng giáp ranh đất sản xuất của người dân, nên nguy cơ phá rừng cao. Chính vì thế, đơn vị đã phải tập trung toàn bộ lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng quanh năm, đặc biệt là các dịp lễ, tết. Đơn vị luôn xác định không để lâm tặc lợi dụng lễ, tết để phá rừng, lấn chiếm đất rừng", ông Trọng cho hay.

Tương tự, Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng (Đắk Glong) được giao quản lý, bảo vệ hơn 21.000 ha rừng và đất rừng. Đơn vị xác định thời điểm cuối năm, lễ, tết là dịp lâm tặc hay lợi dụng để phá rừng.

Từ đó, đơn vị đã tăng cường lực lượng ở 4 trạm, duy trì 1 tổ cơ động. Dựa vào tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã tăng cường thêm 3 chốt ở các điểm nóng, khu vực có nguy cơ cao xâm hại phá rừng, săn bắt thú rừng, lấn chiếm đất rừng.

Ngoài lực lượng bảo vệ rừng, đơn vị còn phối hợp với 53 hộ dân nhận khoán rừng thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng cho biết, công tác quản lý, bảo vệ rừng được đơn vị duy trì quanh năm, nhưng cao điểm là dịp lễ, tết, cuối năm.

VQG Tà Đùng quyết tâm không để lâm tặc lợi dụng dịp lễ, tết để phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Các dịp nghỉ lễ, tết luôn được đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ rừng. "Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của VQG Tà Đùng đã xác định tinh thần đón các ngày nghỉ lễ, tết trong rừng", ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng  chia sẻ.

Theo nhận định của Sở NN - PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang bước vào mùa khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phá rừng, cháy rừng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố lớn về lại địa phương sinh sống.

Trong số đó, có nhiều người không có việc làm, đời sống khó khăn, nên dễ dẫn đến hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Chính vì thế, Sở NN - PTNT đã có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt trong dịp cuối năm, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các đơn vị cần phải tăng cường, chú trọng nhiều hơn. Các đơn vị cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, tham gia bảo vệ rừng hiệu quả...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/khong-de-cac-doi-tuong-loi-dung-dip-tet-de-pha-rung-90951.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/khong-de-cac-doi-tuong-loi-dung-dip-tet-de-pha-rung-90951.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Không để các đối tượng lợi dụng dịp tết để phá rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO