Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện một số hội, nhóm của các đạo lạ, tà đạo hoạt động trái pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí còn có hoạt động chống phá.
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc mừng Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh nhân dịp Lễ Noel năm 2020 |
Còn nhiều hoạt động trái phép
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 3 tôn giáo chính thống được pháp luật công nhận đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo, với gần 270.000 tín đồ, chiếm 42,2% dân số toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, về cơ bản, tình hình hoạt động tôn giáo ổn định, hầu hết các chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo bình thường, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các chức sắc, tín đồ tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", nhất là tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được các cơ sở tôn giáo tuân theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền và giáo hội.
Dù vậy, thời gian qua, một số nơi vẫn còn diễn ra một số hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: xây nhà với mục đích hoạt động tôn giáo nhưng không xin phép chính quyền; một số hội, nhóm sử dụng không đúng tên “Hội thánh Tin lành Việt Nam”; hoạt động của nhiều “đạo lạ” gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Một số tôn giáo đã để xảy ra những vi phạm trong việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình làm cơ sở tôn giáo mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng địa phương. Tình trạng này xảy ra tại nhiều nơi, nhất là tại huyện Đắk Glong. Đơn cử, bà Trang Thị Kim Quyên ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) làm lễ động thổ, xây dựng một ngôi nhà với mục đích tổ chức sinh hoạt tôn giáo đạo Cao Đài. Sau khi phát hiện vụ việc vào ngày 22/4, UBND xã Quảng Sơn đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển UBND huyện xử lý theo thẩm quyền.
Đặc biệt, một số người dân, tụ điểm còn hoạt động tín ngưỡng có yếu tố mê tín, dị đoan để trục lợi. Cụ thể, tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 2 điểm gồm: điểm “Đền Chúa Tiên” của hộ bà Lê Thị Sinh và “Đền thờ quan Đức thánh Trần Hưng Đạo Đại vương” của hộ ông Lê Văn Ngọc. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hộ ông Ngọc thôi không tập trung đông người. Riêng hộ bà Sinh, mặc dù tấm biển “Đền Chúa Tiên” đã được gỡ xuống nhưng vẫn tập trung đông người, sinh hoạt tín ngưỡng trái phép, có dấu hiệu trục lợi.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhân dịp Lễ Noel năm 2020 |
Theo Ban Tôn giáo tỉnh, một số vi phạm khác nổi lên nữa là việc chức sắc, tín đồ hiến tặng, mua bán, sang nhượng đất đai để mở mang cơ sở thờ tự, tự ý lập ra ban đại diện, ban hộ tự, các điểm sinh hoạt trái phép; không gia nhập tăng đoàn, mua đất rẫy làm nhà và tự xây dựng cơ sở thờ tự, tụ tập sinh hoạt đông người.
Tăng cường quản lý địa bàn
Theo cơ quan chức năng, sở dĩ các đạo lạ, tà đạo có cơ hội xâm nhập vào địa bàn tỉnh thời gian qua, ngoài việc thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân còn có thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cũng như có sự tiếp tay của các thế lực thù địch bên ngoài.
Trước tình hình trên, Ban Tôn giáo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, ngăn chặn, không để các đạo lạ, tà đạo hoạt động trái phép.
Ngoài ra, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao hiểu biết, không tin, nghe theo những lời lừa phỉnh, ma mị của đạo lạ, tà đạo.
Đặc biệt, lực lượng công an cần phát động quần chúng tăng cường tố giác tội phạm và xử lý tốt tin tố giác tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.