Cán bộ thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Hoạch, không để dịch lây lan ra diện rộng. |
Theo gia đình ông Hoạch, trước đó khoảng 10 ngày, gia đình phát hiện 1 con lợn bị bệnh chết trong chuồng nên đã đem đi tiêu hủy.
Vài ngày sau, 22 con lợn trong chuồng cũng xuất hiện các triệu chứng: sốt cao, bỏ ăn, ít vận động. Gia đình ông Hoạch nghĩ lợn bị bệnh thông thường nên tự mua thuốc về điều trị, nhưng đàn lợn không khỏi bệnh mà chết hết. Vì vậy, gia đình ông đã báo với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn liên quan.
Nhận được thông tin, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn đã khoanh vùng, tập trung dập dịch tại chỗ và tiêu hủy toàn bộ đàn lợn theo đúng quy định.
Cán bộ thú y phun hóa chất xử lý môi trường tại khu vực tiêu hủy đàn lợn theo đúng quy định. |
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Buôn Ma Thuột, đây là ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn thành phố tính từ đầu năm 2024 đến nay. Sau khi xảy ra ổ dịch, Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ thú y cơ sở kiểm tra tình hình dịch bệnh, tiến hành rải vôi, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh còn sót lại trong môi trường xung quanh, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã có văn bản yêu cầu các ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/1/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện 42 ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, trong đó huyện Ea Súp với 21 ổ dịch, huyện Lắk 11 ổ dịch, huyện Krông Năng 3 ổ dịch, làm chết và tiêu hủy 344 con lợn, với tổng khối lượng trên 13.000kg.