Tuy nhiên, nếu không được cấp cứu kịp thời trong trường hợp dị ứng hải sản nặng có thể gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Vì sao có hiện tượng dị ứng hải sản?
Hải sản bao gồm các thực phẩm như các loại cá (cá hồi, cá ngừ, cá tuyết...), các loại động vật giáp xác (tôm, cua...) và động vật thân mềm (mực, sò điệp, ngao, vẹm...). Hải sản là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhưng cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng phổ biến nhất ở người lớn và nằm trong số sáu loại dị ứng phổ biến ở trẻ em.
Dị ứng hải sản là phản ứng miễn dịch bất thường của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với protein của một số hải sản. Nguyên nhân gây ra dị ứng hải sản là bởi hệ thống miễn dịch xem protein của hải sản là có hại, dẫn đến việc sản xuất các kháng thể với protein đó - chất gây dị ứng. Một số người bị dị ứng hải sản sẽ có phản ứng với tất cả các hải sản, nhưng có những người chỉ phản ứng với một số loại nhất định.
Khi những người bị dị ứng hải sản tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng ra histamin và các hóa chất khác gây ra các triệu chứng dị ứng như phát ban, ngứa hoặc chàm; ngứa ran trong miệng; sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể; nghẹt mũi hoặc khó thở; chóng mặt; đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa...
Không chỉ dừng lại ở những phản ứng thông thường trên, khi cơ thể bị dị ứng hải sản sẽ gây ra một phản ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ. Phản ứng phản vệ với hải sản hoặc bất cứ nguyên nhân nào cũng cần được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Mai (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị dị ứng với hải sản từ nhỏ nên tôi rất chú ý tránh sử dụng loại thực phẩm này. Tuy nhiên tôi thấy nhiều người vẫn còn chủ quan, thậm chí cho rằng đây là bệnh “kén ăn”, không biết ăn hải sản thì chỉ cần tập ăn nhiều lần sẽ quen. Có lần tôi dùng bữa lẩu tại nhà hàng dù không gọi lẩu hải sản nhưng do nhà hàng dùng nước lẩu có thành phần gạch cua khiến tôi bị dị ứng ngứa, phát ban, mặt sưng phù. Cũng may, tôi không ăn quá nhiều nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”.
Nhập viện cấp cứu vì dị ứng với hải sản
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi (trú tại Hải Dương) nhập viện vì nổi ban dị ứng toàn thân sau khi ăn con cù kỳ. Theo gia đình chia sẻ, sau khi ăn con cù kỳ khoảng vài tiếng, cháu thấy ngứa khắp người và ban đỏ toàn thân. Gia đình cho cháu uống thuốc dị ứng nhưng triệu chứng càng lúc càng nặng nên đã đưa bệnh nhi vào viện. Được biết, trước đó bệnh nhi chưa có tiền sử dị ứng. Bệnh nhi vào khoa Nhi trong tình trạng sốt nhẹ, ban sẩn đỏ toàn thân, ngứa nhiều. Các bác sĩ đã khám, chẩn đoán phản vệ độ I và xử trí theo phác đồ. Sau điều trị, tình trạng của bệnh nhi dần ổn định, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nhi.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong trường hợp dị ứng nhẹ, trẻ cảm thấy ngứa, triệu chứng tự biến mất sau vài giờ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, dị ứng hải sản nặng có thể gây ra suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Những triệu chứng này nguy hiểm đến tính mạng cần được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng thường diễn biến trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn.
Sau khi tiếp xúc với dị nguyên hay đồ ăn lạ, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện như nổi mẩn ngứa, phát ban, sưng môi, sưng mặt, khó thở, tức ngực, thở nhanh, tím tái, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời tránh các diễn biến nặng hơn của bệnh.
Để phòng tránh dị ứng hải sản ở trẻ em, khi phụ huynh cho con ăn các loại hải sản lạ nên thử từng ít một; bắt đầu bằng một lượng nhỏ, sau đó ăn tăng dần. Gia đình không nên ăn hải sản tại các cửa hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại hải sản lạ không rõ nguồn gốc. Bởi một số người phản ứng ngay cả khi họ hít phải hơi nước hoặc hơi nấu từ hải sản có vỏ. Việc lây nhiễm chéo cũng có thể xuất hiện trong các cơ sở phục vụ đồ hải sản. Mọi người chú ý đọc nhãn thực phẩm cẩn thận vì một số loại thực phẩm có chứa thành phần được ghi không cụ thể như “hương vị hải sản”, “nguồn từ cá”...