Kinh tế

Khởi sắc nông sản chế biến sâu 

Lê Dung 06/03/2023 14:56

Việc đầu tư chế biến sâu các mặt hàng nông sản để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, phục vụ thị trường xuất khẩu đang là bước đi được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quan tâm.

Đầu tư nhà máy công suất lớn

Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng (Đắk R’lấp) mới được khánh thành, với công suất lớn 250 tấn/ngày đang thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. Đây được xem là hướng phát triển mới của ngành công nghiệp chế biến tại Đắk Nông.

Ông Trương Công Toàn, chủ DNTN Toàn Hằng cho biết, trước tiên, nhà máy sẽ chế biến sâu một số sản phẩm như: sầu riêng, chanh dây, bơ. Trong đó, sầu riêng được xuất trực tiếp đi Trung Quốc.

Bơ đã được đối tác Nhật Bản chấp nhận mẫu và tiến tới ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nhà máy. Tiếp đến, doanh nghiệp sẽ sản xuất các sản phẩm về chanh dây, mít và các loại trái cây chủ lực khác của Đắk Nông.

nha-may-che-bien-trai-cay(1).jpg
Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng (Đắk R'lấp) được đầu tư công nghệ hiện đại

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho Nhà máy, doanh nghiệp đã liên kết được với 56 mã vùng trồng sầu riêng từ miền Tây cho tới các tỉnh Tây Nguyên.

Vùng nguyên liệu trải rộng sẽ giúp đơn vị không bị quá tải, duy trì hoạt động xuất khẩu được quanh năm. Việc này cũng hạn chế nguồn hàng bị giãn đoạn và giữ chân khách hàng về lâu dài.

“Việc chế biến này sẽ giúp tránh hiện tượng “được mùa mất giá”. Doanh nghiệp sẽ lấy chế biến sau thu hoạch làm mũi đột phá, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi, tiến tới làm mặt hàng chủ lực của tỉnh”, ông Toàn chia sẻ.

Năm 2023, Công ty TNHH Thương mại- Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) cũng mở rộng chế biến sâu mặt hàng mít sấy cung cấp cho thị trường Australia. Sản phẩm mới này đã được đối tác chấp thuận và ký kết hợp đồng cung ứng với số lượng lớn ngay từ đầu năm.

Cùng với việc đầu tư máy móc, công nghệ cho sản xuất, doanh nghiệp đang liên kết tạo vùng trồng rộng lớn trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy.

Tạo dựng vùng nguyên liệu

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản. Trong đó, công suất chế biến hồ tiêu: 28.000 tấn/năm; điều: 11.400 tấn/năm; cà phê nhân: 235.000 tấn/năm; cà phê bột: 3.805 tấn/năm; chế biến sắn: 300.000 tấn/năm; đậu phộng, đậu nành sấy: 8.000 tấn/năm…

img_5046(1).jpg
Nông sản chủ lực của Đắk Nông đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cơ bản đều tăng cao qua các năm, với thị trường tại 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Đắk Nông đang phát triển một số mặt hàng chế biến mới tham gia xuất khẩu như: sầu riêng, chanh dây, bơ…

Xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông, chiếm 70% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với 155 triệu USD; điều nhân đạt 161 triệu USD; tiêu đen 146 triệu USD và các sản phẩm khác 463 triệu USD.

img_3345-1-.jpg
Mắc ca là sản phẩm mới, với tiềm năng xuất khẩu lớn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, để phát triển bền vững, ổn định các mặt hàng nông nghiệp của tỉnh, cần đẩy mạnh việc hình thành, phát triển các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.

Các doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây trồng tập trung, từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, dây chuyền hiện đại vào chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch.

Đặc biệt, ngành Khoa học & Công nghệ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản của Đắk Nông.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khởi sắc nông sản chế biến sâu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO