Vào thời điểm này, hầu hết các nông hộ trồng cà phê trong tỉnh đang tập trung các biện pháp kỹ thuật để giúp vườn cà phê lấy lại sức, chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Bà con đang tập trung cắt tỉa cành để giúp cây cà phê nhanh phục hồi, phát triển cành thứ cấp, phân hóa mầm hoa hiệu quả hơn.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng, ở thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song), canh tác hơn 2 ha cà phê. Mặc dù trong thời điểm đang thu hoạch, nhưng ông Hùng rất quan tâm đến công đoạn vệ sinh vườn cây, tỉa cành, loại bỏ những cành vô hiệu.
Ông Hùng cho biết: “Khi nhân công đang thu hái là tôi bố trí một vài người đi theo cắt cành. Làm như vậy, cây cà phê không phải nuôi những cành không có khả năng cho trái sau này. Cây nhanh phục hồi hơn”.
Theo ông Hùng, việc cắt cành sớm giúp vườn cây thông thoáng, dễ dàng hơn cho các công đoạn trong vệ sinh vườn cây, khử trùng đất, loại bỏ nấm bệnh cũng như tưới nước và bón phân sau này.
Ngoài ra, việc tỉa cành, tạo tán giúp cây được cân đối, phân bố đều ánh sáng và thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh trong giai đoạn cây nuôi trái.
Bà con nông dân đang tập trung vệ sinh vườn cây, giúp cà phê phục hồi sau thu hoạch |
Gia đình ông Trần Văn Tuấn, ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) cũng trồng hơn 1,5 ha cà phê. Theo ông Tuấn, để giúp cây cà phê phục hồi nhanh, tiếp tục sinh trưởng, cho năng suất tốt, cần phải nắm vững quy trình chăm sóc theo từng giai đoạn.
Trong đó, ở giai đoạn đầu mùa khô, cây cà phê cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để bước vào thời kỳ phân hóa mầm hoa, nở hoa và nuôi trái non. Bởi cây cà phê sau thu hoạch bị mất đi phần lớn dinh dưỡng, trở nên suy kiệt. Vì thế, việc bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi tốt, chuẩn bị cho lần ra hoa sau là rất quan trọng.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, để khôi phục vườn cà phê, bà con nên sử dụng phân vi sinh hoặc phân hữu cơ, phân chuồng đã ủ hoai bằng nấm đối kháng Trichoderma.
Các loại phân này đều giúp đất tơi xốp, gia tăng các hệ vi sinh vật có lợi trong đất, hạn chế tuyến trùng và những bệnh gây hại có trong đất. Từ đó, cây cà phê sẽ dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn.
Khi bón phân, bà con cần chú ý rải đều phân xung quanh gốc cây, không rải sát gốc hay trực tiếp vào gốc. Bà con có thể dùng phân hữu cơ ủ hoai mục từ 15 – 20 kg phối trộn với 1,5 kg lân Văn Điển và 0,5 kg NPK 10-10-5, rồi rải đều quanh bồn. Sau bón phân cần phủ kín đất và tưới nước cho vườn cà phê.
Theo Sở NN - PTNT, để giúp người dân chăm sóc cà phê trong mùa khô, ngành Thủy nông tỉnh thường xuyên kiểm tra, vận hành, điều tiết nguồn nước tại các hồ đập, đáp ứng nhu cầu tưới của người dân.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành chuyên môn đang tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, nhất là chuyển giao mô hình tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt trong mùa khô cho cây cà phê.
Ngành Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra vườn cây, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại trong mùa khô. Đặc biệt là các bệnh rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, bọ xít…