Khôi phục, quảng bá thương hiệu khoai lang Tuy Đức

Bài và ảnh: CHẤN HƯNG| 14/02/2024 20:58

Trồng khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thoát nghèo, cải thiện đời sống, một số hộ có cơ hội vươn lên làm giàu.

Khoai lang Tuy Đức cũng được xuất khẩu ra thế giới và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu vào năm 2012. Tuy nhiên, do việc quản lý thương hiệu và sử dụng nhãn hiệu còn nhiều bất cập nên khoai lang Tuy Đức dần vắng bóng trên thị trường. Địa phương đang nỗ lực khôi phục thương hiệu và phát triển sản phẩm khoai lang Tuy Đức trở thành cây trồng chủ lực của huyện.

Với những ưu điểm vượt trội như kỹ thuật trồng đơn giản, nhanh cho thu hoạch, phù hợp điều kiện canh tác của nông dân, có thể trồng trên nhiều địa hình, chất lượng củ dẻo, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao và đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu,… cây khoai lang nói chung và cây khoai lang Nhật Bản nói riêng đã trở thành cây trồng chủ lực, mang tính chiến lược trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với nhiều địa phương ở huyện Tuy Đức.

Giai đoạn 2011-2015, cây khoai lang luôn chiếm vị trí đầu về diện tích trong cơ cấu cây trồng hằng năm của huyện. Diện tích trồng lớn và duy trì ở mức cao từ 2.200-2.500 ha/năm, sản lượng đạt hơn 35.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích khoai lang Nhật Bản khoảng 1.500-1.800 ha/năm, chiếm từ 80-82% diện tích khoai lang toàn huyện, sản lượng đạt 23.000 tấn/năm, chủ yếu trồng tại các xã Đắk Búk So, Quảng Trực và Quảng Tâm.

Với năng suất, sản lượng và chất lượng vượt trội, sản phẩm củ khoai lang Tuy Đức nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, nhiều thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm củ khoai lang Tuy Đức đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu Khoai lang Tuy Đức tại Quyết định số 43757/QĐ-SHTT, ngày 8/8/2012.

Mặc dù hiệu quả kinh tế mang lại cao và đã khẳng định được vị thế trong ngành trồng trọt của huyện, nhưng, đến giai đoạn 2018-2021, việc trồng khoai lang tại Tuy Đức gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do giống khoai lang Nhật Bản đã thoái hóa nhanh chóng, dẫn đến giảm sút năng suất và sản lượng.

Nhiều diện tích trồng khoai lang không thể trồng lại do chế độ canh tác chưa hợp lý, trồng nhiều vụ liên tục trong năm, không áp dụng biện pháp luân canh, bón phân chuồng bổ sung dinh dưỡng cho đất, sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến đất bạc màu, sâu bệnh hại phát sinh, chất lượng củ giảm. Bên cạnh đó, giá khoai lang lên xuống thất thường, năng suất thấp khiến nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Theo kết quả thống kê, giai đoạn từ 2018-2021, diện tích trồng khoai lang trên địa bàn huyện giảm mạnh và chỉ duy trì khoảng từ 420-450 ha/năm, trong đó diện tích khoai lang Nhật Bản chiếm khoảng từ 15%-18%, số còn lại là các giống khoai lang mật, khoai lang cao sản khác.

Năng suất và sản lượng khoai lang cũng giảm mạnh, giai đoạn 2018-2021, bình quân chỉ còn 12-16 tấn/ha. Ông Thái Vĩnh Thạnh, Hội trưởng Hội Khoai lang Tuy Đức cho biết, việc khai thác và sử dụng nhãn hiệu tập thể Khoai lang Tuy Đức chưa đạt hiệu quả cao, hầu như ít được các hộ nông dân và các đại lý thu mua trên địa bàn huyện sử dụng.

Nguyên nhân chủ yếu do chưa có doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra khai thác, sử dụng nhãn hiệu tập thể; quá trình sản xuất khoai lang chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu liên kết thành các chuỗi bền vững; toàn bộ sản phẩm khoai lang đều được tiêu thụ thông qua thương lái, đại lý theo hình thức bán bãi, thu mua tại vườn. Khoai lang sau khi tập kết tại đại lý sẽ được bốc xếp lên xe và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Do không thông qua sơ chế và đóng bao bì bảo đảm nên quá trình gắn nhãn mác trên sản phẩm trước khi xuất bán chưa được các hộ nông dân, các đại lý thực hiện. Trong khi đó, đã có một thời gian dài thương hiệu, uy tín của khoai lang Tuy Đức bị thương lái thu mua lợi dụng, chở khoai lang ở nơi khác có phẩm chất kém hơn về địa bàn huyện Tuy Đức “mượn” thương hiệu rồi xuất bán đi nơi khác. Một số đại lý thu mua còn trộn khoai lang cao sản với khoai lang Nhật Bản để bán... Việc làm này đã dần làm mất đi thương hiệu, uy tín khoai lang Tuy Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho người trồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức Kiều Quý Diện cho biết, để giữ vững vị thế cây khoai lang nói chung và cây khoai lang Nhật Bản nói riêng, dần đưa ngành sản xuất khoai lang của huyện phát triển trở lại, thời gian qua huyện Tuy Đức đã có sự quan tâm lớn đến việc sản xuất khoai lang, đặc biệt là đối với cây khoai lang Nhật Bản.

Cụ thể, huyện khôi phục nguồn giống; quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất khoai lang, duy trì ổn định diện tích đất trồng khoai lang hiện có; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất khoai lang giữa doanh nghiệp với nông dân; củng cố lại hoạt động của Hội Khoai lang Tuy Đức và khôi phục nhãn hiệu tập thể Khoai lang Tuy Đức. Năm 2020, huyện đã đầu tư xây dựng vườn ươm giống quy mô 2.000m2 và vườn nhân giống khoai lang Nhật Bản quy mô 2 ha ở xã Đắk Búk So, với cây giống ban đầu là cây nuôi cấy mô thế hệ F1.

Vườn ươm được xây dựng đã cung cấp giống khoai lang Nhật Bản thế hệ F2 bảo đảm chất lượng cho các hộ dân trong vùng và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, việc xây dựng vườn ươm, vườn nhân giống khoai lang còn có ý nghĩa tích cực trong quá trình thay đổi nhận thức, loại bỏ thói quen sử dụng lại giống khoai lang cũ đã trồng qua nhiều vụ của các hộ nông dân...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức Đinh Ngọc Nhân cho biết, huyện sẽ quyết tâm khôi phục thương hiệu và phát triển cây khoai lang đúng với vai trò là cây trồng chủ lực của địa phương.

Trước hết, huyện sẽ tập trung về khâu giống, sau đó trên cơ sở các thành viên cũ của Hội và các thành viên mới đăng ký tham gia, giữa năm 2022, huyện đã phối hợp Hội Khoai lang huyện Tuy Đức, ủy ban nhân dân các xã tổ chức Đại hội Hội Khoai lang huyện Tuy Đức nhiệm kỳ 2020-2025. Sau khi Hội được kiện toàn, huyện đã hỗ trợ một số thành viên trong Hội Khoai lang triển khai mô hình trồng

10 ha khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét gia hạn lại nhãn hiệu tập thể Khoai lang Tuy Đức.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn để xây dựng vườn nhân giống khoai lang Nhật Bản (F1 + F2) trên địa bàn xã Đắk Búk So làm cơ sở để cung cấp nguồn giống chất lượng cho các hộ dân; vận động, tuyên truyền các hộ nông dân tạm thời chuyển đất trồng khoai lang sang trồng rau xanh đến khi đủ điều kiện mới trồng khoai lang trở lại; hỗ trợ tăng cường hoạt động của Hội Khoai lang Tuy Đức, kết nạp thêm thành viên, hướng tới thành lập các hợp tác xã trong sản xuất khoai lang làm cơ sở để kết nối với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất khoai lang; hỗ trợ các hộ sản xuất khoai lang tham gia Chương trình OCOP...

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khoi-phuc-quang-ba-thuong-hieu-khoai-lang-tuy-duc-post796199.html
Copy Link
https://nhandan.vn/khoi-phuc-quang-ba-thuong-hieu-khoai-lang-tuy-duc-post796199.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khôi phục, quảng bá thương hiệu khoai lang Tuy Đức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO