Di sản - Truyền thống

Khôi phục nghề dệt truyền thống gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Mỹ Hằng 14/04/2023 05:29

Năm 2022, Bộ VHTT-DL công nhận nghề thủ công truyền thống nghệ thuật dệt của người M’nông tỉnh Đắk Nông là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề khôi phục nghề dệt truyền thống gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

PV: Ông có thể nói sơ bộ về nghề dệt thủ công truyền thống của người M’nông?

Ông Nguyễn Minh Quang: Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh nói riêng thì nghề dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon, làng và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế gia đình.

Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc M’nông màu chủ đạo là màu đen, màu xanh. Các sản phẩm thổ cẩm không chỉ đơn thuần là đồ dùng mà còn là sản phẩm văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Sản phẩm thổ cẩm M’nông phong phú về mẫu mã cũng như chủng loại gồm giỏ sách, chăn, trang phục áo, váy, khố… đều có màu sắc, đường nét, kỹ thuật trang trí, hoa văn riêng. Các hoa văn thổ cẩm thể hiện quan niệm tín ngưỡng tâm linh về đất trời, sông núi, sức mạnh thiên nhiên và sự dũng cảm của con người.

tuyet-hao.-hop-xu-huong.-170-91.44-cm-(1).png

PV: Để được công nhận nghề dệt thủ công truyền thống của người M’nông là di sản phi vật thể cấp quốc gia, tỉnh Đắk Nông đã có những nỗ lực như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Quang: Nhằm bảo tồn nghề dệt truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào M’nông nói riêng, ngoài việc nâng cao nhận thức, duy trì tổ chức truyền dạy nghề dệt truyền thống thì một trong những hoạt động nổi bật đó là tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018 và lần thứ II năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông.

Đặc biệt, năm 2019, Sở VHTT-DL đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số”… Trên cơ sở đó đã đề ra được những định hướng bảo tồn phát huy giá trị thổ cẩm của dân tộc thiểu số tỉnh, nhất là phát triển thổ cẩm phục vụ tại điểm đến du lịch để thu hút du khách, tạo thu nhập cho bà con. UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt dự án bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm tại xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp), xã Quảng Khê (Đắk Glong) thuộc dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2020.

Đắk Nông cũng đã ban hành Đề án “Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê, Thái, Dao gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2023-2025.

PV: Một trong những khó khăn nhất hiện nay của việc duy trì, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm M’nông nói riêng và nghề dệt các dân tộc trên địa bàn tỉnh là gì?

Ông Nguyễn Minh Quang: Đời sống kinh tế ngày càng khá hơn nên có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong trang phục truyền thống. Những bộ đồ thổ cẩm truyền thống được thay bằng những trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơ mi… Các nghệ nhân dệt có kinh nghiệm truyền dạy thổ cẩm đa số đã lớn tuổi hoặc đã mất nên ngày càng ít. Hiện toàn tỉnh, còn khoảng 50 nghệ nhân giỏi có khả năng truyền dạy nghề. Trong khi đó, dù lực lượng trong độ tuổi lao động nhiều, nhưng cũng không còn mấy ai tâm huyết, mặn mà với nghề dệt thổ cẩm truyền thống nữa mà đi tìm kiếm các công việc khác để kiếm sống, dẫn đến đội ngũ kế thừa rất hạn chế.

Theo thống kê hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 652 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình (trong đó có 2 nghệ nhân ưu tú là H’Jang, bon Đắk Plao, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) và Thị Vét, bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức).

img_3712(1).jpeg
Các hoa văn thổ cẩm thể hiện quan niệm tín ngưỡng tâm linh về đất trời, sông núi, sức mạnh thiên nhiên và sự dũng cảm của con người.

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm không đồng đều, chủ yếu chỉ đặt hàng theo đơn đặt hàng của các đơn vị, do đó thu nhập không ổn định. Nhiều người có khả năng dệt rất tốt nhưng do không còn đủ sức khỏe để dệt, khả năng nguồn vốn để duy trì nghề dệt cũng không có. Sản phẩm thổ cẩm làm ra chỉ ở phạm vi gia đình và phục vụ cho gia đình là chính, không bán được dẫn đến họ không thiết tha với nghề nữa mà tự chuyển sang các nghề khác…

PV: Để nghề dệt thổ cẩm của người M’nông nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung cần những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Quang: Để nghề dệt thổ cẩm tồn tại và có một hướng đi mới phát triển phù hợp hơn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân tham gia giữ gìn, xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa.

UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ưu tiên cho các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... của dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Các ngành, địa phương  xây dựng các dự án để đầu tư phát triển làng nghề truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng, có mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, để cạnh tranh trên thị trường, đưa vào phục vụ khách du lịch.

Cơ quan chức năng tiếp tục thống kê, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu các dân tộc hộ gia đình, nghệ nhân, những người biết dệt thổ cẩm để định hướng, khôi phục, trong đó, khuyến khích sản xuất sản phẩm phù hợp với đời sống xã hội, đáp ứng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, rất cần các chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề, nhất là các chính sách khuyến khích nghệ nhân truyền nghề cho các đối tượng lao động, nhất là truyền nghề cho thanh niên. Những dự án đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tốt để làm ra sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, thu hút nhiều đối tượng lao động tại địa phương cũng cần được chú trọng.

Ngành VHTT-DL tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT, các sở ngành liên quan hướng dẫn địa phương thành lập các tổ hợp tác dệt thổ cẩm.

 Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khôi phục nghề dệt truyền thống gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO