Y tế - Sức khỏe

Khơi nguồn dược liệu Đắk Nông

Ngô Đồng 10/12/2024 06:58

Đắk Nông được đánh giá có tiềm năng, thế mạnh về trồng dược liệu. Tỉnh được quy hoạch với vai trò là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển dược liệu của cả nước.

Nguồn dược liệu phong phú và đa dạng

Từ năm 2019, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai đề tài “Điều tra tài nguyên cây thuốc sử dụng trong một số cộng đồng ở tỉnh Đắk Nông”.

Đề tài trực tiếp góp phần thực hiện các mục tiêu bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cạn và tăng cường công tác truyền thông về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên dược liệu.

Dược liệu 9
Thảm thực vật Đắk Nông rất phong phú và có nhiều loại dược liệu quý rất thuận lợi cho phát triển ngành dược liệu

Theo đó, với diện tích rừng tương đối lớn và sự đa dạng về thành phần dân tộc cùng với kiến thức bản địa, số lượng loài dược liệu ở tỉnh Đắk Nông rất phong phú. Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã ghi nhận 512 loài dược liệu khác nhau theo ngôn ngữ địa phương; trong đó có 255 loài đã được định danh (bao gồm 81 họ, 194 chi).

Các loài dược liệu đã được kiểm chứng khoa học theo phân loại (tên khoa học, tên phổ thông, tên địa phương), ghi nhận đặc điểm sinh học - sinh thái, phân bố, công dụng theo tài liệu và theo cộng đồng địa phương.

Từ năm 2019 đến 2020, đề tài tiếp tục bổ sung đầy đủ công dụng từ phía các cộng đồng dân tộc của 129 loài dược liệu đã định danh. Trong đó, 4 loài dược liệu được cập nhật trong danh sách 24 loài có công dụng đã được nhắc đến trong sách “Giới thiệu cây thuốc tỉnh Đắk Nông” bao gồm: cỏ sữa vông, hoa hẹp, bụp xước và tam thất nam.

Theo thống kê, số loài dược liệu được sử dụng làm thuốc chủ yếu là thân (133 loài, 52%); lá (131 loài, 51%); rễ hoặc củ (84 loài,33%). Đặc biệt, có đến 93 loài (36%) được khai thác cả cây để làm thuốc bao gồm cả thực vật thân thảo (60 loài, 23%). Công dụng 255 loài dược liệu được chia thành 21 nhóm bệnh khác nhau. Trong đó, nhóm bệnh về tiêu hóa và gan có nhiều loài dược liệu được sử dụng nhất (81 loài, chiếm 31,8%). Có 29 loài dược liệu cũng được sử dụng trong thực phẩm.

Viện Dược liệu

Tài nguyên dược liệu là rất phong phú nhưng thực tế chưa khảo sát ghi nhận đầy đủ được, nên cần có những nghiên cứu tiếp theo, mở rộng khảo sát thực địa ở những khu vực khác trên địa bàn tỉnh cũng như cộng đồng đông y để bổ sung thêm cơ sở dữ liệu về dược liệu hiện có ở tỉnh Đắk Nông.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay, việc phát triển dược liệu ở Đắk Nông vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, liên kết hình thành vùng hàng hóa bền vững còn hạn chế.

Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư về lĩnh vực dược liệu còn thấp, chưa tương xứng với quỹ đất phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Đối với việc phát triển dược liệu dưới tán rừng chưa được các đơn vị chủ rừng quan tâm chú trọng do chưa có quy hoạch vùng khai thác, gắn trồng dược liệu với quản lý bảo vệ rừng.

Cây nhân trần 4
Cây nhân trần nhiều lá bắc phủ kín tại rừng thông ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức

Tỉnh, các địa phương chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến nghiên cứu thổ nhưỡng, kỹ thuật nuôi trồng, sản xuất giống, tiêu chuẩn chất lượng giống dược liệu để việc bảo tồn, phát triển và sản xuất dược liệu có hiệu suất cao. Quy trình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, sử dụng, công nghệ chế biến, công dụng chính cho mỗi loại dược liệu chưa được hoàn thiện. Các sản phẩm từ dược liệu chưa được đầu tư nghiên cứu và chưa có cơ chế và giải pháp bảo đảm đầu ra ổn định.

Cơ chế, chính sách chưa được xây dựng đồng bộ và phù hợp để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dược liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy chế biến, sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu. Thị trường tiêu thụ thường phụ thuộc nhiều vào các cơ sở thu gom, sơ chế và chế biến dược liệu.

Hướng đi đã mở

Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quyết định nêu rõ: Đắk Nông là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu của cả nước được quy hoạch để phát triển trồng 10 loại dược liệu bao gồm: gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ với diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó, ưu tiên trồng các loài đảng sâm, sâm Ngọc Linh.

_dsc8369.jpg
Một chuyến đi rừng hái dược liệu của Hội Đông y tỉnh Đắk Nông

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 20/9/2017 về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tiếp đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1390 ngày 6/9/2018 phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh. Đề án định hướng đến năm 2030, hình thành các vùng cây dược liệu có tiềm năng tại các huyện Cư Jút, Đắk Glong, Đắk R'lấp, với việc trồng các cây gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, Quyết định số 2314 của UBND tỉnh về đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, được xem là cơ sở để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Đề án đã phân loại 26 loài dược liệu có tiềm năng khai thác, 71 loài dược liệu thuộc diện bảo tồn và định hướng 12 loài dược liệu trồng, phát triển tại Đắk Nông.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện tại các khu vực rừng tự nhiên có nhiều loài dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như: bổ cốt toái, vàng đắng, chè dây, bách bệnh… có trữ lượng lớn.

Hiện nay, tỉnh đã và đang huy động nguồn vốn nhằm triển khai công tác nghiên cứu khoa học và các chương trình phát triển dược liệu; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình, đề án xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu phát triển nguồn dược liệu.

Bản sao Cây dược liệu 17
Các sản phẩm được điều chế từ dược liệu Đắk Nông

Cụ thể, tỉnh triển khai một số giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cây dược liệu như: khoanh vùng, bảo tồn tại chỗ 49 loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị tại 3 địa điểm Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu vực thuộc xã Quảng Trực (Tuy Đức).

Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm sinh thái, nhu cầu sử dụng cũng như diện tích đất đai, tỉnh dự kiến phát triển 16 loài dược liệu tại 5 tiểu vùng sinh thái gồm các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắk Mil và Đắk Glong và đầu tư hạ tầng phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu dự kiến quy mô 10ha tại TP. Gia Nghĩa.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khơi nguồn dược liệu Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO