Khơi dậy tiềm năng nông nghiệp Tây Nguyên

Nguyễn Lương| 09/12/2022 09:09

Tây Nguyên có những lợi thế khác biệt về nông nghiệp, nhưng vì nhiều nguyên nhân, nên chưa phát triển hết tiềm năng. Phát triển nền nông nghiệp thị trường gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… là mục tiêu mà toàn vùng Tây Nguyên đang hướng đến.

Nhiều khởi sắc

Giai đoạn 2002-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản vùng Tây Nguyên luôn cao hơn trung bình cả nước. Một số sản phẩm nông nghiệp của vùng đóng góp tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, cao su…

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trực tiếp của vùng năm 2021 đạt khoảng 2,82 tỷ USD. Cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản Tây Nguyên vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Đến năm 2021, Tây Nguyên có khoảng 665 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 8,9% doanh nghiệp nông nghiệp cả nước. Toàn vùng có 1.321 HTX nông nghiệp, 12 liên hiệp HTX nông nghiệp. Tây Nguyên có 1.980 trang trại hoạt động hiệu quả, chiếm gần 2% trang trại cả nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tìm hiểu quy trình đóng gói hoa xuất khẩu tại Công ty ĐALAT Hasfarm (Lâm Đồng)

Theo định hướng, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Lĩnh vực này vẫn là "bệ đỡ" giúp ổn định kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa Tây Nguyên trở thành trung tâm sản xuất, chế biến sâu một số nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây, rau, hoa, cá nước lạnh.

Tất cả đều có sức cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới; bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với du lịch nông thôn.

Theo lộ trình, đến năm 2030, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Tây Nguyên hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số. Toàn vùng hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.

Phát triển bền vững

Nằm trong chuỗi phát triển vùng, Đắk Nông cũng đặt ra mục tiêu, lộ trình cho giai đoạn tới. Đến năm 2025, Đắk Nông rà soát, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên lợi thế sẵn có của địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đắk Nông sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên.

Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.

Theo TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững, tỉnh phải xây dựng được các khu sản xuất tập trung, có các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp.

Đồ họa: N.H - N.L

Tỉnh phải xây dựng được các chuỗi sản phẩm đặc trưng, đặc sản. Trong đó, đội ngũ doanh nghiệp là người tiêu thụ sản phẩm, còn HTX là trung tâm.

Nghĩa là, Đắk Nông làm sao để xây dựng chuỗi và kết nối giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò “bà đỡ” có nhiệm vụ kết nối thị trường.

Doanh nghiệp sẽ hướng dẫn HTX, tổ hợp tác, các tổ chức nông dân về quy trình sản xuất. Sản phẩm sản xuất ra theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, về phía tỉnh tập trung đối ngoại với tổ chức nông dân, HTX, trang trại, doanh nghiệp để xây dựng chính sách về khuyến nông cộng đồng. Các chính sách về khuyến khích, hỗ trợ HTX, phát triển trang trại bền vững, doanh nghiệp kết nối thị trường sẽ được Đắk Nông chú trọng.

“Làm sao mà mục tiêu của chúng ta hướng đến là sản xuất các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra các nước lân cận và xa hơn”,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng hoạt động hiệu quả

Đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị triển khai Chương trình, hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-TW về phát triển vùng Tây Nguyên đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 20/11 tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng nổi trội, lợi thế khác biệt, nhưng phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Đó là do hạ tầng chưa phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. Thứ nữa là thiếu nguồn lực cả về con người và tài chính. Thời gian qua, Tây Nguyên mới chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư Nhà nước, chứ nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà đầu tư còn hạn chế. Sự thiếu kết nối vùng, liên vùng, quốc tế cũng là nguyên nhân khiến toàn vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Chính vì thế, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp được chỉ rõ trong Nghị quyết 23/NQ/TW, Tây Nguyên cần phát triển kinh tế, xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

“Tây Nguyên phải tự lực, tự cường đi lên, lấy nguồn lực bên trong làm điểm tựa, nguồn lực bên ngoài là đột phá. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, động lực cho sự phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp. Việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cần được toàn vùng chú trọng.

Toàn vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế rừng. Cùng với đó, Tây Nguyên chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và văn hóa du lịch.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/khoi-day-tiem-nang-nong-nghiep-tay-nguyen-96517.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/khoi-day-tiem-nang-nong-nghiep-tay-nguyen-96517.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khơi dậy tiềm năng nông nghiệp Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO