Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết một số nội dung trọng tâm cùng công tác chuẩn bị, triển khai thi hành Luật.
Hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT
Đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật được ban hành đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ mang lại những tác động tích cực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về ANTT. Mặt khác, do địa bàn cấp xã nhiều nơi có diện tích rộng, số lượng dân cư lớn nên cần thiết sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT. Qua đó mới có thể bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở, chủ động, kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ, việc liên quan đến ANTT.
6 nhóm nhiệm vụ được giao
Sau khi kiện toàn, thống nhất, số lượng người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT trên cả nước là bao nhiêu? Những nhóm nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:Sau khi kiện toàn, thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng, tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là khoảng 300.0000 người.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của các lực lượng quần chúng đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm:
1- Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự;
2- Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
3- Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
4- Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; h
5- Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông;
6- Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Thưa đồng chí, để tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, công dân cần những tiêu chuẩn gì?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:Luật đã quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, cụ thể:
Về độ tuổi là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi. Trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
Trường hợp đã chấp hành xong bản án của tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Về trình độ văn hóa: Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Về điều kiện cư trú: Đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Về tiêu chuẩn sức khỏe: Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế
Một trong những yếu tố thu hút công dân tham gia và gắn bó lâu dài với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là chế độ, chính sách cho lực lượng này. Đồng chí có thể cho biết những quy định cụ thể về chế độ, chính sách khi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:Bộ Công an đã đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chi hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay làm cơ sở đề xuất nội dung này quy định trong Luật.
Theo đó, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ; được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại Luật.
Đã tổ chức triển khai xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định, Thông tư bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục
Để triển khai thi hành Luật, hiện nay đơn vị đã tham mưu cho Bộ Công an xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn nào? Tiến độ việc xây dựng các văn bản này hiện ra sao?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên:Trên cơ sở căn cứ nội dung Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết về trang bị và bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, gồm 3 chương, 8 điều quy định về trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, trang bị phương tiện, thiết bị đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quy định về điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả chế độ, chính sách cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế, chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương, bị chết khi thực hiện nhiệm vụ.
Luật giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành liên quan đến tổ chức, hoạt động, bảo đảm điều kiện hoạt động, thi đua, khen thưởng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Theo đó, dự thảo Thông tư do Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 3 chương, 11 điều quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ ANTT; trình tự, thủ tục thành lập, công nhận thành viên Tổ bảo vệ ANTT; trình tự, thủ tục điều chỉnh số lượng thành viên, số lượng Tổ bảo vệ ANTT, cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; huấn luyện, bồi dưỡng, diễn tập, hội thi đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Theo quy định tại dự thảo Thông tư thì lực lượng này được trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp chống đâm, găng tay bắt dao.
Đến nay, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã tổ chức triển khai xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị định, Thông tư bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và đang báo cáo cấp có thẩm quyền bảo đảm các văn bản này được ban hành và có hiệu lực cùng với thời điểm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực thi hành (1/7/2024).
Xin cảm ơn đồng chí!