Khoa học kỹ thuật thúc đẩy nông nghiệp Đắk Nông phát triển
Những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất đã mang lại kết quả vượt bậc cho nền nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Trước đây, người dân trồng lúa chủ yếu để bảo đảm lương thực hàng ngày. Phương thức canh tác đơn giản, các khâu làm đất, giống, chăm sóc đều dựa vào kinh nghiệm, điều kiện tự nhiên.
Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa các giống lúa mới vào khảo nghiệm, nhân rộng, giúp cho việc thay đổi cơ cấu giống ở các vùng trồng lúa có nhiều chuyển biến tích cực.
Đơn cử, từ năm 2009 đến nay, riêng huyện Krông Nô đã khảo nghiệm 15 giống lúa lai. Qua đó, huyện chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao trồng đại trà để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Từ năm 2017 - 2019, Krông Nô đưa vào sản xuất thành công hai giống lúa ST24, ST25. Hai giống lúa này đã tạo nên thương hiệu lúa gạo Krông Nô và đã giúp người dân vùng sâu Buôn Choáh nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống.
Ông Triệu Văn Y, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh cho biết: “Tôi tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay. Để hạt gạo thương phẩm đạt tiêu chuẩn, tôi được các cấp, ngành cho tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh phù hợp với giống lúa mới”.
Từ thành công của huyện Krông Nô, các địa phương khác cũng đưa giống ST24, ST25 vào sản xuất đại trà và mang lại kết quả nhất định. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 80% diện tích gieo trồng các giống lúa lai mới.
Các hộ trồng lúa trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững như áp dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm 3 tăng” (ICM) “1 phải, 5 giảm”…
Bên cạnh cây lúa, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, tiêu, cây ăn trái… cũng giúp cho sản phẩm các loại cây trồng này khẳng định được uy tín trên thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 29.071ha cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ tại các huyện: Đắk Song, Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp cho 256 nhóm, với 14.865 nông hộ tham gia, sản lượng cà phê đạt 93.355 tấn.
Đối với cây tiêu, cây ăn trái, người dân chú trọng hơn đến mô hình sản xuất hữu cơ, bền vững, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc, sơ chế…
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh hiện có trên 85 ngàn ha ứng dụng về giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến…
Tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404 ngàn tấn. Ngoài ra, việc ứng dụng KHKT, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được tăng cường. Qua đó, giúp hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm được chi phi đầu tư và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ, hoạt động khuyến nông, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Từ đó, mở rộng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử... để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả về số lượng và giá trị.