Kinh tế

Khó thu nợ vốn vay trồng rừng thay thế ở Đắk Nông

Lê Phước 29/06/2023 05:26

Quỹ Đầu tư và phát triển Đắk Nông cho một số doanh nghiệp vay hơn 16 tỷ đồng để trồng rừng thay thế. Thế nhưng, việc thu hồi nguồn vốn này rất khó khăn.

ADQuảng cáo

Năm 2016, tỉnh Đắk Nông cho 4 doanh nghiệp vay tiền để thực hiện các dự án đầu tư trồng rừng thay thế những diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình thủy điện.

Các doanh nghiệp được vay gồm: Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh, Công ty TNHH MTV Bảo Lâm (Công ty Bảo Lâm), Công ty CP Tập đoàn Tân Mai và Công ty CP Nông lâm nghiệp Khải Vy.

Các doanh nghiệp trên triển khai dự án trồng rừng trên diện tích hơn 550 ha, với tổng kinh phí hơn 51,5 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Nông ủy thác (từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng) cho vay gần 16 tỷ đồng.

Theo hợp đồng tín dụng, các dự án sẽ triển khai trồng keo lai. Chu kỳ vay vốn là 7 năm, lãi suất 0%. Thời hạn vay đều đến tháng 12/2022.

anh-1(1).jpg
Nhiều diện tích rừng keo lai của Công ty TNHH MTV Bảo Lâm ở huyện Krông Nô bị đốt cháy, phá hoại

Nhưng đến thời hạn trên, chỉ có 2 doanh nghiệp trả đủ tiền cho Quỹ Đầu tư phát triển Đắk Nông. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai trả hơn 4,5 tỷ đồng và Công ty CP nông lâm nghiệp Khải Vy trả hơn 1,6 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp còn lại không thể trả nợ đúng hẹn. Tính đến thời điểm hạn cuối cho vay, Công ty Bảo Lâm nợ hơn 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh nợ hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Bảo Lâm, Công ty được vay vốn để triển khai trồng hơn 300 ha rừng tại huyện Krông Nô. Mỗi ha rừng được vay khoảng 30 triệu đồng. Tổng số tiền vay của đơn vị là hơn 7,1 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Sau khi được vay vốn, Công ty đã triển khai trồng keo lai đúng hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều diện tích rừng trồng đã bị người dân phá, lấn chiếm đất. Một số diện tích rừng phát triển chậm, chưa đến chu kỳ khai thác.

Cùng với đó, giá keo lai xuống thấp. Thông thường, mỗi ha rừng keo lai có giá bán khoảng trên 75 triệu đồng. Nhưng hiện tại, ông Việt cho biết, keo lai chỉ bán được khoảng 65 triệu đồng.

Mới đây, Công ty Bảo Lâm đã trả thêm được khoảng 1,3 tỷ đồng cho vốn vay trồng rừng thay thế. Hiện Công ty này còn nợ hơn 3,8 tỷ đồng.

anh-2-bi-pha(1).jpg
Keo và rừng bị đốt cháy, phá hoại tại dự án trồng rừng thay thế của Công ty TNHH MTV Bảo Lâm

“Trong năm nay, chúng tôi sẽ bán một số diện tích keo lai ở xã Tân Thành. Một số diện tích rừng ở xã Đức Xuyên sẽ được tiếp tục chăm sóc và bán vào sang năm. Chúng tôi dự kiến đến cuối năm 2024 mới trả được hết nợ”, ông Việt cho hay.

Theo ông Trịnh Anh, Giám đốc Quỹ Đầu tư và phát triển Đắk Nông, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp giám sát, đôn đốc các đơn vị nợ tiền vay trồng rừng thay thế.

Quỹ Đầu tư và phát triển cho biết, Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh đang có giá trị tài sản thế chấp khá lớn. Đơn vị này cũng tích cực phối hợp với Quỹ Đầu tư trong việc trả nợ.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã liên hệ với Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh này để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng không nhận được phản hồi.

Đối với Công ty Bảo Lâm, Quỹ Đầu tư và phát triển đang thực hiện giám sát toàn bộ diện tích rừng keo lai của đơn vị. Gần đây, tại lâm phần của Công ty này xuất hiện một số vụ cháy rừng, khai thác trái phép. 

“Hiện chúng tôi đã làm việc với các bên liên quan và thống nhất khấu trừ tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm 2022 và 2023 (khoảng hơn 75 triệu đồng) của Công ty Bảo Lâm. Quỹ cũng đang cùng doanh nghiệp tìm đối tác bán keo lai tới chu kỳ khai thác để sớm thu hồi được số nợ trên”, ông Anh cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó thu nợ vốn vay trồng rừng thay thế ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO