Khó phát hiện đối tượng phá rừng ở Quảng Sơn?

Đức Hùng| 17/03/2021 09:23

Năm 2020, trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) xảy ra 182 vụ vi phạm lâm luật. Điều đáng chú ý, hầu hết trong các vụ vi phạm này, cơ quan chức năng không phát hiện được đối tượng phá rừng.

Xã Quảng Sơn có hơn 34.807 ha đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong đó, khoảng 27.641 ha đất rừng tự nhiên; 1.213 ha đất trồng rừng; 7.495 ha đất không có rừng. Toàn bộ diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp đã được giao cho 14 đơn vị quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều diện tích rừng ở Quảng Sơn bị tàn phá

Năm 2020, UBND xã Quảng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng phát hiện và xử lý 182 vụ vi phạm lâm luật, gây thiệt hại 54,8 ha rừng. Cụ thể, tại lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao xảy ra 71 vụ, thiệt hại 27,8 ha rừng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn xảy ra 27 vụ, thiệt hại 5,1 ha rừng; HTX Hợp Tiến xảy ra 64 vụ, thiệt hại 16,7 ha; Công ty Cổ phần Thiên Sơn xảy ra 12 vụ, thiệt hại 3,5 ha rừng; Công ty TNHH TM Đỉnh Nghệ xảy ra 3 vụ, thiệt hại 1 ha rừng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng ở Quảng Sơn còn phát hiện 37 vụ khai thác, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép, với khối lượng 48,4 m3.  

Quảng Sơn là một trong những địa phương có số vụ phá rừng nhiều nhất tỉnh trong những năm qua. Thế nhưng, các vụ phá rừng xảy ra lại hầu như không phát hiện đối tượng vi phạm.

Theo ông Lê Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các vụ phá rừng không phát hiện đối tượng vi phạm. Trong đó, chủ yếu là do các đối tượng phá rừng lén lút, vào ban đêm, ở nhiều thời điểm khác nhau...

Cùng với đó, nhiều đơn vị quản lý, bảo vệ rừng có lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nên không quán xuyến hết. Các đối tượng phá rừng thường lợi dụng việc dọn tỉa, canh tác gần khu vực có rừng để phá rừng, cơi nới thêm đất sản xuất nên rất khó phát hiện.

Cũng theo ông Tuấn, đối với những vụ phá rừng không phát hiện được đối tượng, Ban lâm nghiệp xã, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã tiến hành thống kê diện tích, hiện trạng, mức thiệt hại... để triển khai bảo vệ hiện trường. Địa phương kiên quyết không để các đối tượng phá rừng lấn chiếm, sử dụng.

Ngoài ra, các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng cũng tiến hành khắc phục hậu quả bằng khoanh nuôi, tái sinh rừng hoặc trồng mới đối với diện tích rừng không thể tái sinh.

Việc không phát hiện được đối tượng phá rừng đã khiến cơ quan quản lý và đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng phải tự bỏ kinh phí khắc phục hậu quả rất tốn kém và bất cập. Trong khi đó, các đối tượng phá rừng lại không bị xử lý, nên dễ tái phạm, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn khó khăn, phức tạp.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/kho-phat-hien-doi-tuong-pha-rung-o-quang-son-85130.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/quan-ly-bao-ve-rung/kho-phat-hien-doi-tuong-pha-rung-o-quang-son-85130.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khó phát hiện đối tượng phá rừng ở Quảng Sơn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO