Khó như… tìm nhân công mùa cà phê ở Đắk Nông
Mùa thu hoạch cà phê ở Đắk Nông, những nhân công thức khuya dậy sớm làm nên nhịp sống hối hả, chủ vườn tất bật tìm nhân công để bảo đảm tiến độ thu hoạch.
Túc trực bến xe tìm nhân công
Tờ mờ sáng, bà Lê Thị Thanh Hải, ở phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa chạy xe máy ra bến xe Gia Nghĩa tìm nhân công thu hái cà phê.
Mỗi khi có xe khách dừng ở bến bà Hải đều lân la đến gặp những người mang theo ba lô, túi xách hỏi thăm có đi hái cà phê không. Nếu có nhân công, bà liền hỏi những câu quen thuộc: "Có ai thuê chưa? Có đi hái cà phê cho tôi không?"
Sau nhiều ngày túc trực, bà Hải cũng gặp được nhóm 10 người từ tỉnh Điện Biên đi hái cà phê mà chưa có ai thuê. Sau khi thỏa thuận, nhóm người này đồng ý theo bà Hải về rẫy, xem cà phê và chốt giá khoán. Nhưng sau một vài điều khoản không thỏa thuận được, 10 người này không nhận hái, họ rời đi…
Không tìm được nhân công hái cà phê, bà Hải thuê những người chạy xe ôm ở bến xe khách, xe bus, các điểm dừng đỗ xe khách… làm cầu nối. Khi họ hỏi tìm được nhân công bà sẽ trả phí.
Bà Hải có 5.000 cây cà phê. Năm nay, bà dự trù sản lượng từ 12 - 14 tấn nhân. Để kịp thời vụ thu hoạch, bà cần khoảng 14 nhân công trong khoảng 1 tháng. Cà phê bà Hải đang bước vào giai đoạn chín rộ và có thể hái hết nên rất cần công hái.
Trong một lần đi tìm nhân công, bà Hải đã may mắn gặp được một nhóm 5 lao động chưa có việc làm đang đi trên đường. Bà dẫn họ đi xem vườn, thỏa thuận mức lương theo sản lượng và họ đồng ý nhận việc.
5 người này đã thu hái cà phê cho bà Hải được 2 ngày. Nhưng với nhu cầu lao động cao để thu hoạch cà phê kịp tiến độ, bà Hải đang tiếp tục tìm nhân công.
Bà Hải tâm sự: "Làm rẫy cà phê mùa này khó khăn nhất là đi thuê nhân công. Mỗi năm tôi đều phải tự xoay xở, chủ động tìm công và năm nào cũng gặp khó".
Biết trước sẽ khó khăn tìm nhân công, ngay từ đầu vụ thu hoạch, bà Hải đã liên hệ với những lao động thời vụ làm việc cho gia đình các năm trước. Tuy nhiên, họ đã chuyển sang làm công việc ổn định ở công ty tại Nghệ An. Thành ra, việc tìm người mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bà Hải đã chủ động chuẩn bị chỗ ăn, ở, ngủ nghỉ cho nhân công bằng những nhà chòi dọc rẫy. Hiện nay bà đang liên hệ tìm kiếm nhân công khắp nơi. Bà nhờ những người làm cho mình kết nối bạn bè, người thân. Dù vậy, số lượng nhân công vẫn chưa đủ.
Kết nối lao động ngoài tỉnh
May mắn hơn bà Hải, ông Sầm Văn Yên, tổ dân phố Nghĩa Tín, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa đã thu hái cà phê được 4 ngày nay. Vụ cà phê năm nay, ông Yên có một khởi đầu suôn sẻ khi nhóm nhân công quen thuộc các năm của gia đình tiếp tục nhận lời đến làm.
Đây là năm thứ 5 nhóm nhân công này làm việc cho ông Yên, tạo nên mối quan hệ bền chặt, gần gũi. "Đến mùa cà phê, tôi chỉ cần gọi điện báo trước ngày thu hái là họ chủ động sắp xếp lên thu hoạch cà phê cho tôi" ông Yên cho biết.
Ông Yên có 4ha cà phê, ông thuê nhóm 5 người, dự tính thu hái hơn một tháng sẽ thu hoạch xong. Ông Yên vừa hái vừa phơi nên không cần nhiều nhân công một lúc. Phương thức làm việc rất rõ ràng nhân công được trả theo sản lượng, với mức giá 1.400 đồng/kg tươi.
Ông Yên chú trọng tạo điều kiện cho nhân công. Ông chuẩn bị chỗ ở thoải mái, riêng biệt với sinh hoạt của gia đình ông để nhân công yên tâm làm việc, nghỉ ngơi.
Việc ăn uống nhân công tự lo. Cà phê thu được ngày nào sẽ cân ngay trong ngày, ghi chép đầy đủ tên nhân công và số lượng bảo đảm minh bạch và công bằng.
Ông Yên chia sẻ: "Nhân công thời vụ không dễ ổn định. Tôi xem họ như người nhà, không tạo áp lực mà phải làm việc vui vẻ. Họ hài lòng thì những năm sau họ lại tiếp tục đến làm".
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, vụ cà phê năm 2024, Đắk Nông cần khoảng 257.000 lao động để thu hoạch khoảng 131.000ha cà phê. Nguồn lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thu hoạch cà phê. Số nhân công còn lại nông dân đành trông chờ vào các tỉnh lân cận, các tỉnh miền Trung, miền Bắc…
Chính vì việc phụ thuộc một nửa nhân công ngoài tỉnh, nên nhiều gia đình thiếu hụt lao động thu hái cà phê gây khó khăn đến tiến độ thu hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm.
Các gia đình thiếu nhân công sẽ khiến việc thu hái cà phê không đúng thời điểm và hái 1 lần thay vì hái nhiều lần dẫn đến không bảo đảm chất lượng.
Nguồn nhân công từ các tỉnh khác sẽ giúp giảm bớt áp lực thiếu người thu hoạch cà phê, nhưng đi kèm với đó là những khó khăn về việc tay nghề, bảo đảm an ninh trật tự.
Ngoài ra, việc thuê lao động ngoại tỉnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Người thuê công lao động phải lo liệu về chỗ ăn ở, chi phí đi lại và các khoản phụ cấp khác cho nhân công, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể.
Việc tìm kiếm lao động thời vụ là bài toán khó mỗi năm đối với người trồng cà phê ở Đắk Nông. Thực tế này buộc các chủ vườn cà phê phải vận dụng nhiều cách để giải quyết.
Mùa cà phê ở Đắk Nông năm nay bắt đầu trong không khí rộn ràng, phấn khởi khi giá cà phê tươi, cà phê nhân đều ở mức kỷ lục nhưng để bảo đảm việc thu hái đúng tiến độ, các chủ vườn phải nỗ lực hơn bao giờ hết để tìm nhân công.
Mỗi chủ vườn cà phê ở Đắk Nông đều có cách riêng để đối mặt với bài toán lao động. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp chủ vườn bảo đảm tiến độ mùa vụ mà còn làm nổi bật tình người và sự gắn bó trong công việc, giữa chủ rẫy cà phê và người lao động.