Pháp luật

Khiếu nại, tố cáo về đất đai ở Đắk Nông vẫn nóng

Lê Phước 26/11/2024 06:50

Tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến lĩnh vực đất đai tại Đắk Nông vẫn còn phức tạp, với nhiều vụ việc kéo dài, vượt cấp.

Nổi cộm ở nhiều địa bàn

Huyện Đắk Glong có diện tích tự nhiên hơn 1.448km2, gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó 6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn). Huyện có hơn 81.300 nhân khẩu với 35 dân tộc cùng sinh sống. Toàn có 56% đồng bào dân tộc thiểu số và 13,44% hộ nghèo.

Đắk Glong là một trong những địa bàn mà tình hình KNTC diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đắk Glong đã tiếp 219 lượt công dân, với 252 người phản ánh 219 vụ việc. Huyện tiếp nhận 318 đơn KNTC, trong đó có 290 đơn đủ điều kiện xử lý.

a1 IMG_6240
Người dân xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong khiếu nại vụ việc đất đai trong một buổi tiếp dân

Phần lớn các vụ việc KNTC đều liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, nổi cộm lên là việc tranh chấp đất đai giữa các hộ dân, giữa người dân với các công ty lâm nghiệp hoặc các đơn vị được giao đất để quản lý, bảo vệ rừng.

Công dân còn kiến nghị một số vụ việc hỗ trợ bồi thường và giải phóng mặt bằng sau thu hồi đất; việc xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế khắc phục hậu quả…

Theo Huyện ủy Đắk Glong, công tác quản lý Nhà nước về đất đai, rừng và nhiều lĩnh vực khác tại địa phương còn nhiều hạn chế. Nhiều vụ việc KNTC phát sinh đã lâu, hồ sơ không đầy đủ nên việc giải quyết khó khăn.

a2 IMG_6252
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo huyện Đắk Glong trong một buổi tiếp dân giải quyết phản ánh liên quan tới đất đai

Một số dự án giao đất, cho thuê đất đối với các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đánh giá hiện trạng, chưa bóc tách diện tích người dân sử dụng trước thời điểm giao đất.

Nhiều chủ rừng thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ dẫn đến việc rừng và đất rừng bị lấn chiếm, mua bán trái phép, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai.

Trong khi đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc cho công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, nhất là ở cơ sở còn hạn chế.

a3 quang tam copy
Huyện Tuy Đức tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn, chiếm đất tại địa phương

Huyện Tuy Đức cũng có nhiều điểm tương đồng với Đắk Glong. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 1.119km2, có 6 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó 5 xã đặc biệt khó khăn) với dân số hơn 73.000 người, trong đó gần 44% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2017 - 2024, huyện Tuy Đức đã tiếp 776 lượt công dân, với 2.316 người, gồm 568 vụ việc. Trong số này, có 103 đoàn đông người với số lượng 1.925 người.

Toàn huyện tiếp nhận 2.273 đơn kiến nghị, phản ánh, KNTC. Trong số 1.105 đơn thuộc thẩm quyền, huyện Tuy Đức đã giải quyết được 960 đơn (đạt tỷ lệ 94,5%).

phat ngon ong toan

Theo Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Dương Huy Toàn, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC tại địa phương đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp. Phần lớn các vụ việc KNTC ở địa phương liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Từ năm 2023 đến nay, Sở TN - MT Đắk Nông đã tiếp 788 lượt công dân, với 905 người. Trong số này, có 23 đoàn đông người, với số lượng 140 người. Sở TN - MT đã tiếp nhận 1.761 đơn thư các loại, trong đó có 1.519 đơn đủ điều kiện xử lý.

Nội dung tiếp dân, giải quyết KNTC chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nhiều công dân phản ánh việc cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất chưa đúng quy định.

a4 IMG_4335
Người dân huyện Tuy Đức phản ánh vụ việc đất đai tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh Đắk Nông

Theo Phó Giám đốc Sở TN - MT Ngô Chí Trung, từ khi tỉnh Đắk Nông tái lập (năm 2004) tới nay, chính sách đất đai thay đổi thường xuyên.

Những chính sách này chưa giải quyết sự hài hòa trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Nhiều người dân cho rằng mình bị thiệt thòi quyền lợi nên khiếu nại cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, tình trạng di cư tự do nhiều năm trước đã gây khó khăn cho việc quản lý dân cư, đất đai và bảo vệ rừng. Tình trạng người dân ngoài tỉnh đến lấn chiếm, sang nhượng trái phép tại các khu vực giáp ranh gây ra xung đột gay gắt, đông người.

Việc giải quyết các vụ việc liên quan đến đất đai từ cấp cơ sở còn lúng túng, thiếu quyết liệt, chưa hiệu quả, dẫn đến phát sinh KNTC vượt cấp, kéo dài.

a5 flycam dakglong
Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, xung đột tại các khu vực đất có nguồn gốc ở Đắk Nông diễn biến khá phức tạp

Về mặt chủ quan, việc khảo sát, bàn giao hiện trạng rừng và đất rừng tại nhiều dự án nông lâm nghiệp không chính xác đã dẫn đến tranh chấp.

Nhiều đơn vị được giao đất, giao rừng nhưng quản lý, bảo vệ không tốt dẫn tới việc để bị lấn chiếm, tranh chấp. Trong khi đó, việc giải quyết các vụ việc lấn chiếm, tranh chấp từ cơ sở còn chưa kịp thời, thiếu sức răn đe.

Tại Đắk Nông, việc xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều sai sót, khiến người dân bức xúc. Nhiều chủ đầu tư thực hiện thu hồi đất còn sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân bị thu hồi…

phat ngon ong trung

Trách nhiệm tiếp công dân của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở thực hiện chưa tốt, chưa thường xuyên.

Việc giải thích, vận động, hòa giải, xử lý các vụ việc, đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền chưa kịp thời, dứt điểm. Điều này khiến nhiều người dân bức xúc và phát sinh KNTC lên cấp trên.

Để hạn chế đơn thư vượt cấp, lãnh đạo Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho rằng các cơ quan phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Theo số liệu thống kê của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2022 - 2024, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai thường chiếm từ 80 - 85% tổng số đơn các sở, ngành, địa phương tiếp nhận.

Ở cấp tỉnh, các cơ quan phải cử đại diện tiếp nhận, giải quyết KNTC theo khoản 4, Điều 12, Luật Tiếp công dân năm 2013. Ở cấp huyện việc phối hợp được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 13, Luật Tiếp công dân năm 2013.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết các tồn tại, hạn chế là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp dân, giải quyết KNTC.

a6.jpg
Việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc đất đai từ cấp cơ sở sẽ góp phần giảm khiếu kiện phức tạp, đông người

Ngoài việc thực hiện theo đúng trách nhiệm, người đứng đầu cần tạo điều kiện cho người được giao nhiệm vụ tiếp dân và xử lý đơn thư KNTC tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khiếu nại, tố cáo về đất đai ở Đắk Nông vẫn nóng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO