Đời sống

Khi “nóc nhà” đổi ngôi

Bình Minh 28/06/2023 05:00

Cuộc sống hiện đại, kinh tế gia đình phát triển đã khiến nhiều quan niệm về người phụ nữ tồn tại lâu nay trong xã hội dần thay đổi. Trong đó, vai trò của người trụ cột gia đình, đặc biệt là đối với các gia đình hiên đại đã có sự đổi ngôi.

ADQuảng cáo
vo-khong-biet-nau-an-chang-_791681698325(1).jpg
Đối với các gia đình hiện đại, nhiều người chồng đã tự nguyện giảm bớt việc để có thêm thời gian chăm sóc vợ và các con. Ảnh internet

Quan niệm về “nóc nhà”

Thời gian gần đây, cụm từ “nóc nhà” đã trở nên phổ biến. Theo nghĩa đen, nóc nhà là phần cao nhất của mái nhà, nằm trên cùng của ngôi nhà. Nó có công dụng che chắn nắng mưa giúp bên căn nhà lúc nào cũng khô ráo và thoáng mát, mang đến một không gian an toàn cho ngôi nhà và chủ sở hữu.

Theo nghĩa bóng, cụm từ “nóc nhà” mang hàm ý rất sâu xa. Cụ thể hơn, “nóc nhà” là chỉ người yêu hoặc người vợ trong gia đình. Họ là người phụ nữ có quyền lực cao nhất trong một mối quan hệ nam nữ hoặc vợ chồng.

Cha ông ta đã có câu “Con có cha như nhà có nóc” để nói lên trách nhiệm và vị trí quan trọng của các đấng mày râu trong gia đình. Lúc đó, người đàn ông đóng vai trò là trụ cột, là “nóc nhà”. Vì người cha là nguồn kinh tế chính của gia đình, là chỗ dựa vững chắc, là người che mưa chắn gió cho vợ con.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ý nghĩa này đã không còn phù hợp và không sử dụng nhiều như trước đây. Bởi phái yếu càng ngày càng giỏi giang, “nâng cấp bản thân” lên một tầm cao mới. Họ vừa đảm đang vừa mạnh mẽ khi những việc phái nam làm được họ cũng làm được.

Từ những điều phái nữ chứng minh thì các ông chồng, người yêu trở nên quan tâm và cưng chiều bạn đời của mình hơn. Do đó, họ hay dùng từ “nóc nhà” nhằm bày tỏ tấm lòng với người yêu, vợ của mình. Họ gọi một nửa yêu thương là “nóc nhà” không phải vì sợ vợ mà cho thấy sự yêu thương, cưng chiều và cũng chứa đựng sự nghiêm túc trong mối quan hệ đó.

ADQuảng cáo

Khi vợ hay người yêu được làm “nóc nhà” còn thể hiện sự thay đổi tư duy nam quyền của giới trẻ. Người phụ nữ không bị giày vò, khổ sở bởi khuôn khổ, tục lệ khắc nghiệt ngày xưa. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho những người phụ nữ hiện đại. Họ có tiếng nói hơn trong gia đình, được tôn trọng, được bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của bản thân.

Sự đổi ngôi của “nóc nhà”

Gia đình chị Ngoan, một người hàng xóm của gia đình tôi lâu nay có phong cách sống rất hiện đại và hài hòa. Hiện đại ở đây là đã thay đổi quan niệm tồn tại lâu nay trong xã hội, đó là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thế nhưng, gia đình chị thực sự rất hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi. Theo chị Ngoan thì đối với gia đình hiện đại ngày nay, người vợ nếu có khả năng tốt hơn người chồng thì sẽ có vai trò quyết định các công việc lớn trong gia đình từ làm nhà, mua xe, chọn trường cho con cho đến chuyện đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Và thực tế, chỉ riêng chuyện 2 lần làm nhà, chị Ngoan đều là người đứng ra lo hết mọi việc. Không phải là người chồng kém cõi mà vấn đề ở đây là chị Ngoan có khả năng hạch toán tốt hơn và quyết đoán hơn để bàn bạc và quyết định các công việc lớn trong gia đình. Điều tuyệt vời là chồng chị Ngoan rất hiểu vợ, tôn trọng ý kiến của vợ. Những năm gần đây, chị Ngoan luôn có thu nhập khá cao và ổn định. Chồng chị là người hiểu chuyện nên đã tự nguyện giảm bớt việc để có thêm thời gian chăm sóc vợ và chăm lo, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của các con. Chồng chị Ngoan nhiều lần tâm sự rằng, đối với gia đình hiện nay, vấn đề ai là “nóc nhà” không quan trọng, quan trọng nhất là gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi, bố mẹ nội ngoại 2 bên luôn được quan tâm, phụng dưỡng.

tang-cuong-trien-khai-cong-tac-phu-nu-va-binh-dang-gioi-2-(1).jpg

Thực tế, đối với cuộc sống hiện đại ngày nay, vai trò của người vợ, người chồng trong những gia đình hiện đại, gia đình trẻ đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống. Tại nhiều gia đình, không ít phụ nữ thành đạt, giỏi giang, đảm nhận vai trò kinh tế và cũng không ít đàn ông đồng ý lui về hậu phương, chăm con và lo việc nội trợ thay vợ. Với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ hiện đại, việc cân bằng giữa công việc bên ngoài và trách nhiệm quán xuyến việc nhà, chăm con, nấu nướng dường sẽ giảm được áp lực nếu người chồng chung tay cũng lo lắng. Làm việc nhà đối với phụ nữ hiện đại đã được chồng chia sẻ nên họ có thời gian lo đầu tư phát triển kinh tế gia đình và chăm lo cho bản thân nhiều hơn.

Sự đổi ngôi này bắt nguồn từ đâu?

Nền tảng tài chính vững chắc và dựng xây các giá trị tinh thần chính là hai thành tố không thể thiếu để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Do đó, thay vì phân biệt ai là người đảm nhiệm vai trò trụ cột gánh vác kinh tế gia đình, ai là người đảm nhiệm vai trò vun vén tổ ấm giúp duy trì sự ổn định và bền vững của gia đình thì hầu hết các bậc cha mẹ hiện đại lựa chọn phương án linh hoạt hơn chính là ai cũng có thể làm người trụ cột, miễn là phù hợp nhất và làm tốt nhất. Vì thế, ngôi vị “nóc nhà” ở đây đã có sự hoán đổi và bình đẳng hơn. Bởi sau cùng, hạnh phúc gia đình phải được xây dựng từ sự cảm thông, sẻ chia, tôn trọng cả những giá trị tinh thần lẫn vật chất, giá trị của người bạn đời, của những đứa con thân yêu và cả giá trị của chính bản thân mình, hướng tới mục tiêu quan trọng là cho con một tương lai tươi sáng.

Trong gia đình, tình yêu hiện nay, phái nam đã dần học được cách lắng nghe và thấu hiểu người phụ nữ của mình hơn. Họ biết nhường nhịn, yêu thương và chia sẻ áp lực công việc với bạn đời. Từ đó, mối quan hệ yêu đương, vợ chồng trở nên gắn kết, bền chặt hơn. Bạn gái, người vợ sẽ hạnh phúc khi thấy bản thân đã tìm được mảnh ghép thích hợp của đời mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi “nóc nhà” đổi ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO