Với mục đích nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân; khẳng định và ghi nhận công lao to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc đổi mới xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; thông qua Đại hội để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố và nâng cao sự tin tưởng của đồng bào về tương lai phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tôn vinh, biểu dương và khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu là đồng bào các dân tộc thiểu số, cổ vũ và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh dân chủ, công bằng, văn minh… ngày 23/6/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là Đại hội) tỉnh Đắk Nông lần thứ II. Theo đó, trong tháng 8 và 9/2014, các huyện, thị xã sẽ tiến hành Đại hội; tháng 11/2014 sẽ Đại hội cấp tỉnh.
Để các địa phương có kinh nghiệm tổ chức đợt sinh hoạt chính trị nhiều ý nghĩa này, theo chỉ đạo của tỉnh, trong 2 ngày 6 và 7/8, huyện Đắk Song đã tổ chức Đại hội lần thứ II. Ngày 22/8/2014, Ban tổ chức Đại hội tỉnh lần thứ II đã họp rút kinh nghiệm qua Đại hội huyện Đắk Song để triển khai ra diện rộng.
Phát biểu đánh giá về kết quả Đại hội của huyện Đắk Song, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Lệ, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức đã nhận định "Huyện Đắk Song đã tổ chức Đại hội thành công hơn cả mong đợi”.
Phân tích về nguyên nhân thành công của Đại hội, ông Trần Thanh Long, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã cho biết: “Đại hội Đắk Song thành công mỹ mãn là vì cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm đúng mức, xem việc tổ chức Đại hội là trách nhiệm của đơn vị, cá nhân mình".
Ông Long cho biết một số chi tiết như: Về lãnh đạo, Trường trực Huyện ủy đã phân công 1 đồng chí Phó Bí thư trực tiếp theo dõi, lãnh đạo Đại hội; nhưng thực tế cả Ban Thường vụ Huyện ủy đều quan tâm đến việc này.
Còn UBND huyện thì dù đã phân công 1 đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp làm Trưởng Ban tổ chức để thực hiện nhiệm vụ, nhưng ở tất cả các cuộc họp của Ban tổ chức cũng như các sinh hoạt của Đại hội, đồng chí Chủ tịch và các thành viên UBND huyện đều có mặt để theo dõi hoặc trực tiếp giải quyết những nội dung công việc khó.
Ví dụ như, với số lượng 150 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số từ cơ sở lên huyện dự Đại hội trong 2 ngày thì chuyện ăn, nghỉ sẽ rất phức tạp. Giải quyết việc này, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm và chủ động lo cho đoàn đại biểu của địa phương mình.
Hoặc như tại cuộc gặp mặt, đối thoại trước Đại hội, khi các đại biểu đề xuất những vấn đề thiết thực; Chủ tịch UBND huyện đã quyết định ngay như: hàng năm hỗ trợ kinh phí cho 10 – 15 em là người dân tộc thiểu số không đậu Đại học có điều kiện học sư phạm mầm non để sau này phục vụ tại địa phương; hoặc hằng năm tổ chức cho 15 – 20 đại biểu là đồng bào dân tộc thiểu số đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở ngoài tỉnh…
Ngay việc mà nhiều địa phương đều “kêu” khó nhất là kinh phí tổ chức Đại hội, thì Đắk Song cũng “giải quyết” rất nhẹ nhàng. Theo đó, ngân sách huyện chỉ chi hết 100 triệu, còn lại là “xã hội hóa” v.v...
Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, các huyện, thị xã còn lại sẽ tiến hành Đại hội lần thứ II. Theo Ban tổ chức Đại hội tỉnh lần thứ II thì nếu cấp ủy, chính quyền địa phương nào cũng làm như huyện Đắk Song thì chắc chắn sẽ tổ chức Đại hội thành công như mục đích, yêu cầu đề ra.