"Khát vọng sống" kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Hoàng Bảo| 03/03/2022 07:29

Chương trình "Khát vọng sống" do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tổ chức mới đây đã kết nối các nhà hảo tâm mang đến niềm vui, hy vọng cho gia đình anh Lý Văn Thuần ở thôn 4, xã Cư K'nia (Cư Jút).

ADQuảng cáo

Gia đình anh Thuần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chỉ có căn nhà nhỏ 30m2 và 2 sào đất cách nhà hàng chục km để trồng tiêu, cà phê. Cuộc sống vất vả, làm không đủ ăn, nên mỗi khi hết mùa vụ, anh Thuần lại đi làm thuê cuốc mướn, phụ hồ, thậm chí vào tận TP. HCM để làm thêm.

Sau khi sinh đứa con đầu được 5 năm, gia đình anh có thêm một đứa con trai. Điều không may, khi đứa con trai ra đời, niềm vui chưa trọn vẹn thì anh biết tin con bị chứng bệnh máu trắng, phải truyền máu, lọc máu định kỳ đến suốt đời. Cuộc sống gia đình vì thế chưa có khi nào hết nỗi lo, vất vả chồng chất. Năm nay, đứa con trai được 6 tuổi, cũng là chừng ấy thời gian, một năm 12 lần, vợ chồng anh đều đặn đưa con đi lọc máu, truyền máu.

Anh Thuần cho biết: “Sinh con ra ai cũng muốn con khỏe mạnh, nhưng không may, con tôi lại mắc bệnh hiểm nghèo. Cứ 20 ngày, vợ chồng lại đưa con đi lên bệnh viện để chữa bệnh. Cũng may, có bảo hiểm y tế miễn phí dành cho trẻ em, gia đình chỉ lo 3 triệu đồng chi phí nên cố gắng cáng đáng. Để có số tiền này, tôi làm việc gấp 3-4 lần trước kia, chỉ cần làm việc gì không vi phạm pháp luật mà có tiền chữa bệnh cho con, tôi đều sẵn lòng. Đến nay, số tiền vay nợ để chữa bệnh cho con vẫn chưa trả được nên không đêm nào vợ chồng được ngủ ngon".

Hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của gia đình, mới đây, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã kêu gọi, phối hợp tổ chức chương trình “Khát vọng sống” để kết nối, vận động các câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh được 72,8 triệu đồng và nhiều phần quà khác kịp thời tiếp sức cho gia đình anh Thuần.

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà Dương Thị Tuyết (thứ 2 từ phải qua) vẫn luôn sát cánh cùng các trường hợp khó khăn

Điểm khác của chương trình "Khát vọng sống" so với các chương trình khác đó là các nhà hảo tâm đã đến tận nơi và trao tận tay món quà cho gia đình anh Thuần. Có những cô, bác dù đã lớn tuổi, ở xa nhưng vẫn gác lại công việc để đến tận nơi đã cho thấy sự trân trọng đối với người được nhận và món quà họ kêu gọi.

ADQuảng cáo

Bà Dương Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước là một trong những nhà hảo tâm đã trực tiếp đến tận nhà anh Thuần để chia sẻ khó khăn với gia đình. Theo lời bà Tuyết, bà đã theo chân chương trình "Khát vọng sống" đến nhiều nơi, gặp nhiều hoàn cảnh éo le. Mỗi lần đi, bà lại chan chứa nhiều cảm xúc và suy nghĩ mình phải làm nhiều hơn để phần nào giúp mỗi gia đình khó khăn thêm động lực bước tiếp. Cũng từ những chuyến đi này, không chỉ cá nhân đóng góp mà bà còn kêu gọi, huy động được nhiều nhà hảo tâm, câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện cùng chung tay giúp đỡ.

Bà Dương Thị Tuyết cho biết: “Qua mỗi chuyến đi, gặp mỗi hoàn cảnh, tôi cảm thấy mình may mắn hơn những mảnh đời khác rất nhiều. Chứng kiến những giọt nước mắt, gương mặt âu lo của các mảnh đời và niềm vui khi được gieo mầm hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho công tác thiện nguyện”.

Bà Tuyết cũng cho hay, hiện nay, bà đã thành lập được nhiều câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện, kết nối nhiều nhà hảo tâm đồng hành cùng hoạt động thiện nguyện. Mỗi khi chương trình tổ chức ở đâu, hỗ trợ cho đối tượng nào, bà đều thông báo, kêu gọi các nhóm cùng vào cuộc.

“Góp gió thành bão, bản thân mình làm không thể đủ, nên khi có sự đóng góp của các nhóm thiện nguyện, việc hỗ trợ được nhiều hơn. Việc kết nối này không chỉ tạo được sự thống nhất trong kêu gọi, minh bạch trong hỗ trợ, mà còn biết đủ để dừng dành cho những đối tượng kém may mắn khác”, bà Tuyết cho biết thêm.

Mỗi trường hợp giúp đỡ đều được đăng tải, gửi video, hình ảnh, có xác thực của chính quyền địa phương đến các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Do đó, chương trình không chỉ lan tỏa trong nước mà còn cả nước ngoài. Đó cũng chính là yếu tố quyết định thành công và sức sống lâu dài cho chương trình. Chưa kể, việc hỗ trợ, trao tặng được thực hiện một cách công khai, kiểm đếm tại chỗ, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, gia đình. Ban tổ chức chương trình, chính quyền, gia đình cùng bàn bạc cách sử dụng tiền hỗ trợ đúng mục đích, địa phương giám sát, quản lý, gia đình sử dụng đúng nên luôn bảo đảm được mục đích đề ra.

Điều đáng mừng, không chỉ có nhà hảo tâm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng trực tiếp đến trao tặng, hỗ trợ gia đình. Điển hình, ngay khi gia đình anh Thuần có mong muốn được dùng tiền mua tôn sửa lại mái nhà đã dột nhiều năm, ngay lập tức, Chủ tịch UBND xã Cư K'nia đã đứng ra nhận tài trợ thay thế toàn bộ tôn mới cho gia đình. Qua đó cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của địa phương đối với người dân của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Khát vọng sống" kết nối những tấm lòng thiện nguyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO