Khát vọng giải phóng dân tộc, phát triển đất nước

Cao Bá Hoàng| 03/06/2021 10:08

Sinh thời, khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút trong câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Tìm con đường đi riêng

Năm 1858, khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc xâm lược và từng bước đặt ách cai trị Việt Nam, chứng kiến những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, cảnh Nhân dân sống lầm than dưới ách thực dân tàn bạo, ngày 5/6/1911 tại bến Nhà Rồng (Sài Gòn), trên chiếc tàu buôn Amiral La Touche De Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước.

 Đất nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện hơn so với trước đổi mới. Ảnh: Một góc thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh tư liệu

Nhìn lại hành trình, không ai có thể tin được, một con người nhỏ bé ra đi với hai bàn tay trắng, đã vượt qua tất cả để có mặt ở nhiều nước; tiếp xúc với nhiều lớp người; nhiều dân tộc khác nhau. Đi đến đâu, Người cũng thấy: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Khát vọng giải phóng dân tộc được Người thể hiện qua các bài viết báo, sách như “Vấn đề bản xứ”, “Tâm địa thực dân”, “Bình đẳng”, “Vực thẳm thuộc địa”, “Công cuộc khai hóa giết người” “Đông Dương và Triều Tiên”, “Thư gửi ông Utơrây” nhằm tố cáo tội ác của thực dân Pháp, thức tỉnh các dân tộc Đông Đương và tin tưởng vào cơ đồ giải phóng dân tộc, khi có đường lối cách mạng đúng đắn.

Tại Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp (12/1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) của V.I.Lênin; tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản được Người xây dựng, tổ chức là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, triệt để và sáng tạo, kết hợp đúng đắn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng, khát vọng đó được Người trình bày trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927); Chính cương văn tắt; Sách lược văn tắt; Chương trình và điều lệ vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Năm 1941, Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng và triệu tập, chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941) đã xác định “giải phóng dân tộc” là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, dân tộc ta đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Khát vọng giải phóng dân tộc, tự do được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc cho bao thế hệ người dân đất Việt đứng lên bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc triệu người như một đã tiến hành kháng chiến trường kỳ, gian khổ làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Ðại thắng Mùa xuân năm 1975 thu giang sơn về một mối, đưa cả nước đi lên CNXH.

Bến cảng Nhà Rồng (quận 4, TP. Hồ Chí Minh), nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Niềm tin để Đảng ta xây dựng CNXH

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) mở ra con đường đổi mới toàn diện đất nước với ý chí và khát vọng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vượt qua khó khăn trong nước, sự bao vây cấm vận của nước ngoài, Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng CNXH với những thành tựu to lớn được thế giới khâm phục.

Nhìn lại 35 năm tiến hành đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện hơn so với trước đổi mới. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rõ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”.

Đại hội XIII của Đảng (1/2021) với tầm nhìn xa, tư duy chiến lược đã có những quyết sách quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, với quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đến năm 2025, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng phát triển đất nước hôm nay, không phải viễn vông, chủ quan duy ý chí mà được tính toán từ thực tiễn của đất nước với tiềm lực, cơ đồ, vị thế dân tộc đã kế thừa và phát triển trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý, kiến tạo năng động của Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển nhanh, bền vững về kinh tế, văn hóa, tạo dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/khat-vong-giai-phong-dan-toc-phat-trien-dat-nuoc-86744.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/khat-vong-giai-phong-dan-toc-phat-trien-dat-nuoc-86744.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khát vọng giải phóng dân tộc, phát triển đất nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO