Khảo sát chính sách giao đất, giao rừng ở huyện nghèo Đắk Nông
Việc giao đất, giao rừng ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) chiếm tỷ lệ thấp nên chưa nâng cao thu nhập cho người dân.
Sáng 20/9, tiếp tục chương trình làm việc tại Đắk Nông, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại huyện Đắk Glong.
Đoàn tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư, hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại huyện Đắk Glong, giai đoạn 2019 - 2023.
Giai đoạn 2019 - 2023, huyện Đắk Glong thực hiện giao đất, giao rừng khoán bảo vệ 4.507ha cho 190 hộ và 2 cộng đồng bon. Các ban quản lý rừng trên địa bàn đã giao khoán hơn 3.996ha cho 186 hộ.
Huyện Đắk Glong đã chi hơn 17 tỷ đồng cho công tác giao đất, giao rừng và khoán quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn này. Chính sách khoán bảo vệ rừng đã tạo việc làm cho 224 lao động mỗi năm, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/năm/lao động.
Quá trình thực hiện chính sách vẫn còn nhiều thách thức, như diện tích rừng bị phân mảnh, giao khoán chưa đồng bộ và kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng chưa đủ.
Các đơn vị chủ quản lý rừng chưa triển khai hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên diện tích đất và rừng được giao khoán.
Tại buổi khảo sát, UBND huyện Đắk Glong kiến nghị cần rà soát và điều chỉnh các chính sách về giao đất, giao rừng nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính, cơ chế để phát triển rừng bền vững, bảo đảm đời sống cho người dân địa phương.
Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội kết luận, việc giao rừng tại địa phương còn ít nên người dân chưa được hưởng lợi, đề nghị địa phương quan tâm.
Để thực hiện được công tác giao rừng, địa phương cần bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, đo đạc diện tích đất rừng, khoanh vùng cụ thể để triển khai việc giao đất, giao rừng hiệu quả...