Khánh Hòa: Học cách nâng cao hiệu quả kết nối, tiêu thụ nông sảnPhú Yên và Khánh Hòa hợp tác phát triển du lịch trong bối cảnh mớiKhánh Hòa bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch |
Sáng 9/12, Tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức chương trình Trưng bày, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp, văn hóa truyền thống thanh niên vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh.
Chương trình có 15 gian hàng, trưng bày đa dạng các sản phẩm khởi nghiệp, đặc trưng vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Khánh Hòa như: Nông sản chế biến sâu, sầu riêng, bưởi, nho rừng, măng le rừng, bí ngô, thịt xông khói, mật ong,... và các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu.
Nhóm bạn 'Khánh Sơn Eco' (huyện Khánh Sơn) tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản sạch của địa phương. |
Các đại biểu tham quan gian hàng. |
Anh Trần Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa - chia sẻ, chương trình mục đích đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của thanh niên khởi nghiệp, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng.
"Mong muốn “tiếp lửa” cho đoàn viên thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, chính quyền tỉnh luôn chú trọng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Chương trình này là một trong những hoạt động giúp ích cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp mà tổ chức Đoàn đang hướng đến", anh Tuấn nói.
Ngoài trưng bày, giới thiệu sản phẩm của thanh niên vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Tỉnh đoàn Khánh Hòa còn tổ chức hoạt động “Thử thách bán hàng thực chiến” nhằm giúp thanh niên trau dồi kinh nghiệp, xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, bạn Lê Thị Phương Trinh (nhóm Khánh Sơn Eco, huyện Khánh Sơn) - bày tỏ, Khánh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh, cách xa thành phố Nha Trang, cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn hạn chế, chương trình là cơ hội để nhóm giới thiệu sản vật địa phương, lan tỏa hình ảnh của huyện nhà. "Chính hạn chế đó trở thành tiềm năng du lịch của địa phương, từ thiên nhiên, núi rừng hoang sơ, vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy đến những sản phẩm đặc trưng là thứ níu chân du khách", bạn Trinh nói.
Ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa - nhận xét: Việc chương trình thu hút đông đảo thanh niên nói chung, đặc biệt thanh niên vùng đồng bào dân tộc và miền núi là điều đáng mừng. "Tôi mong muốn các bạn trẻ nâng tầm các sản phẩm khởi nghiệp, đặc trưng, xây dựng, lan tỏa hình ảnh, từ đó thu hút du khách, phát triển kinh tế. Chương trình này cũng là cơ hội cho các bạn thanh niên thể hiện tinh thần ham học hỏi, chịu khó, năng động từ đó xây dựng 'cầu nối' với nhà đầu tư", ông Duy nhấn mạnh.
Đa dạng sản phẩm khởi nghiệp, văn hóa truyền thống thanh niên vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Khánh Hòa. |
Những búp rau được thanh niên trồng từ mô hình Tháp trồng rau hữu cơ, áp dụng công nghệ hiện đại, với cơ chế không sử dụng các chế phẩm sinh học và hóa học độc hại. |
Học sinh THPT trên địa bàn TP. Nha Trang tìm hiểu mô hình khởi nghiệp 'sàn thương mại điện tử cho thủy sản'. |
Chương trình diễn ra trong 3 ngày, từ 8-10/12, thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. |
Tỉnh Khánh Hòa hiện có 35 DTTS với hơn 72.000 người, chiếm tỷ lệ 5,8% dân số toàn tỉnh. Hiện có 3 DTTS còn gặp nhiều khó khăn là Raglay, Ê Đê, Cơ Ho. Đa số đồng bào DTTS cư trú tại 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với 4 nội dung: Tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch; hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN và cung ứng các mặt hàng thiết yếu; Truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại. Đối tượng của kế hoạch cũng là các trường đại học có đông sinh viên dân tộc thiểu số theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN;... Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN như các phiên chợ, hội chợ. Điểm đặc biệt của các phiên chợ, hội chợ này là các sản phẩm được trưng bày đều là các loại nông sản được trồng, sản xuất, chế biến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (xã vùng III) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa. |