Sách có quy mô 154 trang viết. Sau mỗi trang sách, Tây Nguyên hiện ra tuyệt đẹp như một vườn thú tự nhiên khổng lồ rộn tiếng chim kêu, vượn hú, voi rống, hổ gầm,.. thế giới muông thú với vô vàn tập tính, thói quen khác lạ, ngộ nghĩnh dẫn ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Này là “Bầy hươu lông vàng, giống khóm hoa cúc khổng lồ di động, mà con hươu sao lại giống như cái nhụy trắng điểm ở giữa”. Này là “Con lợn rừng lùn tịt phải nhờ vào anh bạn đường hươu sao cao kều mới dám nhởn nhơ ra bãi cỏ kiếm ăn”. Này là “Mang không phải là nai con, nhưng cũng có khi ăn lẫn với bầy nai, nhờ chân nai đạp bật cỏ để ăn”...
Bìa cuốn sách |
Viết về loài voi Tây Nguyên, tác giả có những phát hiện thú vị: Trông con voi to lớn, cặp mắt gườm gườm tưởng như dữ tợn lắm, nhưng lại rất lành. Nó yêu người, nhất là trẻ con. Chỉ trừ khi nó bị bắt buộc phải đánh lại đối phương, nó mới thật mang cái sức “khỏe như voi” ra để chiến đấu. Con voi béo ục ịch thế, nhưng lại thừa trí thông minh và nhanh nhẹn sử dụng miếng võ của mình để trị lại cọp. Khi voi thấy chó sói, mắt voi nhắm lại, và ve vẩy đôi tai, vẻ như ngờ nghệch. Sói rừng hí hửng tưởng là dễ lao vào cấu xé, sói liền lao vào táp lên chân voi. Bất ngờ: “huỵch”, voi đã dùng vòi túm chặt lấy ngang lưng sói đưa bổng lên trên không. Nó mang ngay sói ra suối, dìm xuống nước cho sói uống no nước, bụng thật căng, rồi đưa đến một gốc cây quật thật mạnh! Sói vỡ toang bụng rồi voi mới đủng đỉnh ục ịch bước đi… Nhưng đó là đối với con chó sói gian ác kia, còn đối với các loài thú khác, như nai chẳng hạn, thì nó lại đối xử rất đỗi đàn anh. Có khi, chúng ta thấy voi nằm phục hàng giờ liền để ngắm con nai vừa mới lọt lòng mẹ…
Là một nhà văn, một người lính trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đã từng có khoảng thời gian dài đóng quân trên chiến trường Tây Nguyên, "Thú rừng Tây Nguyên" đã thu hút hàng trăm ngàn bạn đọc nhỏ tuổi bằng những câu chuyện kể dung dị, dí dỏm mà hào sảng về những chuyến đi săn cải thiện của bộ đội Tây Nguyên trong những năm chiến tranh bom đạn khốc liệt.