Đất và người Đắk Nông

Khám phá buôn làng Ê đê bên dòng sông Sêrêpốk

PV 30/08/2024 17:20

Buôn văn hóa Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút là điểm đến trên hành trình tham quan, khám phá Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

coverpc2.jpg

Buôn văn hóa Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút là điểm đến trên hành trình tham quan, khám phá Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

tit1-pc.jpg

Ê đê là dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. Người Ê đê là 1 trong 3 dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cùng với người M’nông, Mạ.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, người Ê đê theo chế độ mẫu hệ, sống tập trung ở phía Đông của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Chủ yếu là nhóm Ê đê Kpă sinh sống tại các buôn Nui, Buôr, Trum và Êa Pô, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút.

Những căn nhà sàn truyền thống với kiến trúc nhà dài độc đáo ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút
Những căn nhà sàn truyền thống với kiến trúc nhà dài độc đáo ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút

Buôn Nui viết theo chữ Ê đê là buôn Hnui, được lấy tên theo dòng suối Ea Hnui (nghĩa là nguồn nước muộn). Buôn được hình thành từ năm 1965, sau khi đế quốc Mỹ tiếp tục dồn đồng bào Ê đê về giáp cầu 14, cạnh sông Sêrêpốk để lập ấp chiến lược. Sau năm 1975, đồng bào Ê đê chọn nơi đây để sinh sống.

Bên dòng sông Sêrêpốk, xã Tâm Thắng, đồng bào Ê đê định cư, quần tụ bên nhau thành một cộng đồng dân cư, mưu sinh bằng nghề đánh cá, trồng lúa. Họ sống chan hòa, đùm bọc nhau và những giá trị văn hóa của cộng đồng người Ê đê được gìn giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Sau này, buôn Nui được tách thành 4 buôn ở xã Tâm Thắng như hiện nay, bao gồm: buôn Nui, Buôr, Trum và Êa Pô. Năm 2007, buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là buôn đồng bào Ê Đê cổ nhất Tây Nguyên.

h3.jpg
Đến các buôn làng Ê đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút vẫn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Ê đê dệt thổ cẩm trong nhà dài truyền thống
h4.jpg
Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi
h5.jpg
Đồng bào Ê đê trồng lúa nước

4 buôn đồng bào Ê đê ở xã Tâm Thắng có khoảng 800 hộ, hơn 4.900 nhân khẩu. Những năm qua, với các chính sách của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vượt khó vươn lên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Ê đê nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Các tuyến đường chính của buôn Nui và dẫn đến buôn Buôr, buôn Ea Pô, buôn Trum đều đã được kiên cố hóa, thuận tiện cho giao thông đi lại

h12.jpg
Đồng bào Ê đê đoàn kết, xây dựng đời sống mới

Bên cạnh các loại cây ngắn ngày, đồng bào Ê đê có thu nhập khá từ sản xuất cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi… An cư bên dòng sông Sêrêpốk, nhiều hộ còn phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Phát huy tinh thần kết trong lối sống, đồng bào Ê đê cùng nhau từng bước xây dựng đời sống mới.

nen2.jpg
tit2-pc.jpg

Văn hóa truyền thống của cộng đồng Ê đê nơi đây rất đa dạng và phong phú. Tại các buôn làng xã Tâm Thắng còn lưu giữ các giá trị di sản, nét đẹp truyền thống đồng bào Ê đê như nhà dài, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc, nghề truyền thống, lễ hội...

h13(1).jpg
Buôn văn hóa Ê đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút lưu giữ các giá trị di sản, nét đẹp truyền thống đồng bào Ê đê như nhà dài, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ, âm nhạc, nghề truyền thống, lễ hội...

Hiện nay, trên địa bàn 4 buôn ở xã Tâm Thắng còn giữ gìn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gồm: 7 bộ cồng chiêng cổ; khoảng 200 hộ ở các buôn biết và giữ nghề dệt thổ cẩm; hơn 20 nhà dài truyền thống. Trong đó có nhiều ngôi nhà dài cổ. Các buôn đều có đội cồng chiêng, đội văn nghệ, hàng chục nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống. Nhiều nghệ nhân, điển hình như nghệ nhân ưu tú Y Sim Êban không chỉ gìn giữ được bộ chiêng quý mà còn thuộc nhiều bài chiêng cổ và sáng tác được các bài chiêng mới phù hợp với nhịp sống hiện đại.

h14.jpg
Đồng bào Ê đê nơi đây còn giữ các loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn gung, đinh năm, tù và, trống...
h15.jpg
Trống da trâu của người Ê đê được lưu giữ trong Nhà văn hóa cộng đồng buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút
h16.jpg
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban là cánh chim đầu đàn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống
h17.jpg
Trải qua nhiều thế kỷ, đồng bào Ê đê nơi đây vẫn giữ được nghề làm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm

Những ngôi nhà dài là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của đồng bào Ê đê. Nó không chỉ là nơi ở mà còn mang đậm giá trị văn hóa tinh thần của người bản địa. Không gian, khuôn viên nhà dài truyền thống của người Ê đê là nơi diễn ra các sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình và các lễ nghi truyền thống. Bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của buôn làng.

phong1.jpg
Một căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê. Ảnh: Dương Phong

Nếu đến đúng dịp, du khách còn có thể được tham dự những nghi lễ truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ cúng nhà mới, lễ rước K’pan, lễ mừng lúa mới,... Trong khuôn khổ của các lễ hội cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, hội thi dân gian như dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống, thi đẩy gậy, giã gạo nấu cơm nhanh, ẩm thực truyền thống…

nen1.jpg

Ông Y Jút Byă, Bí thư chi bộ buôn Buôr, xã Tâm Thắng chia sẻ: "Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân đã được nâng lên. Đồng bào có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống thường xuyên được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Ngành Văn hóa, địa phương mở các lớp dạy cồng chiêng, đan lát, chế tác nhạc cụ để các lớp con cháu tiếp tục phát huy, trân giữ giá trị tốt đẹp của dân tộc Ê đê. Nhà dài là không gian sinh hoạt chung, nơi lưu giữ tinh hoa, văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê".

phong2.jpg
Những căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê ở buôn Buôr. Ảnh: Dương Phong

Ngoài ra, người Ê đê còn bảo tồn khá nguyên vẹn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nổi bật là kỹ thuật dệt với các hoa văn đặc trưng, phức tạp, màu sắc chủ đạo đen, đỏ… Năm 2021, xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm buôn Nui. Tổ thu hút 22 thành viên tham gia, đây là những nghệ nhân có tay nghề cao, do Nghệ nhân Ưu tú H’Đá Êya làm tổ trưởng. Sản phẩm của tổ được nhiều khách du lịch biết đến thông qua các hoạt động quảng bá du lịch cộng đồng; được các nhà thiết kế tin dùng trong thiết kế thời trang trình diễn trong và ngoài nước. Du khách có thể đến khám phá và trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê đê tại THT dệt thổ cẩm buôn Nui cũng như tại nhà người dân tại các buôn làng khác.

h19.jpg
Những năm gần đây, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát huy văn hóa truyền thống, các buôn đồng bào Ê đê ở Tâm Thắng đã khôi phục mạnh mẽ nghề dệt thổ cẩm
h18.jpg
Những sản phẩm dệt thổ cẩm đẩy công phu, tỉ mỉ, thể hiện được nét văn hóa của người Ê đê như váy, áo, khăn, chăn, túi xách…
h26.jpg
Du khách đến vui chơi dịp lễ hội, thích thú thử trang phục truyền thống của người Ê đê

Bà H’Đá, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm buôn Nui cho hay: “Các thành viên trong tổ thường tập trung ở nhà văn hóa cộng đồng để cùng dệt nên những chiếc túi xách, ví, vỏ gối, mũ, chăn, mền, võng… Các nghệ nhân đã biết ứng dụng máy may, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm cách tân, cho ra các sản phẩm với giá cả hợp lý để khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn”.

h20.jpg
Một số món đặc trưng như cơm lam, gà nướng, canh lá rừng… được chế biến đơn giản nhưng rất đậm đà hương vị
h21.jpg
Các món ăn trong văn hóa ẩm thực của người Ê đê thường được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương
h22.jpg
Các món ăn trong văn hóa ẩm thực của người Ê đê thường được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương
h23.jpg
Các món ăn trong văn hóa ẩm thực của người Ê đê thường được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên, dân dã, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương

“Các buôn văn hóa Ê đê xã Tâm Thắng được tỉnh Đắk Nông chọn là một trong những điểm dừng chân trong kế hoạch phát triển du lịch sinh thái và văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn đầu tư của Trung ương những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông còn triển khai các dự án cấp chiêng, phục dựng lễ hội, hỗ trợ phát triển làng nghề, tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Qua đó tiếp sức cho các buôn làng Ê đê khôi phục, phát huy truyền thống văn hóa độc đáo”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tâm Thắng Đặng Huy Toàn chia sẻ.

phat ngon PC

Trong hành trình phát triển những năm tới, đồng bào Ê đê nơi đây kỳ vọng tiếp tục được hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống. Nhất là việc phục dựng lễ hội; tạo không gian diễn xướng cồng chiêng; phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp phát triển du lịch sinh thái và văn hóa…

h28.jpg
Đồng bào Ê đê vui múa trong lễ hội truyền thống với các điệu nhảy sinh động và mang tính tập thể cao; thể hiện sự gắn kết của cộng đồng, cũng như niềm vui trong những dịp lễ hội

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa tại địa phương, huyện Cư Jút cũng đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại buôn Nui, xã Tâm Thắng. Đồng thời thành lập đội văn nghệ truyền thống buôn Nui và hằng năm tổ chức được một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu tại địa phương.

h24.jpg
Hằng năm, tại Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút), ngành văn hóa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ hội tại địa phương; tiêu biểu nhất là Lễ kết nghĩa anh em đồng bào dân tộc Ê đê
h25.jpg
Lễ hội được tổ chức thường niên góp phần tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng
h27.jpg
Đồng bào Ê đê tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn trong lễ hội

Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu truyền, buôn văn hóa Ê đê, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cũng được chọn là điểm di sản số 17 trên hành trình tham quan, khám phá Tuyến 2 – Bản giao hưởng của làn gió mới, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Nội dung, hình ảnh: Hồ Mai
Trình bày, đồ họa:
Phong Vũ

end.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá buôn làng Ê đê bên dòng sông Sêrêpốk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO