Khai thông điểm nghẽn trong hợp tác ASEAN-Nga

THANH THỂ| 11/05/2024 06:00

Chương trình “Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng”, do Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội cung cấp góc nhìn sâu rộng về các vấn đề quan trọng liên quan hợp tác kinh tế giữa các bên. Nhiều giải pháp được đề xuất hướng đến khai thông các điểm nghẽn, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa ASEAN, các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga.

Kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Nga đạt khoảng 20 tỷ USD năm 2021; trong đó, xuất khẩu của ASEAN sang Nga đạt 12,6 tỷ USD, nổi bật là máy móc và thiết bị điện tử. Năm 2023 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược Nga-ASEAN.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do nhiều yếu tố, hợp tác giữa Nga và ASEAN chưa tương xứng tiềm năng và kỳ vọng của hai bên. Trong tiến trình chuyển đổi của hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay, Nga nhấn mạnh việc quan tâm tạo ra các động lực bổ sung để tăng cường và đa dạng hóa thương mại, cũng như hợp tác kinh tế với ASEAN. Các ưu tiên gồm bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, kinh tế tuần hoàn, các vấn đề môi trường, số hóa kinh tế, phát triển thành phố thông minh và hợp tác trong khoa học, giáo dục.

Việc điều chỉnh chính sách của Nga trong bối cảnh mới được giới học giả quan tâm. Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích triển vọng hợp tác tài chính giữa Nga và các nước ASEAN, tình hình phát triển quan hệ Nga-ASEAN trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và triển vọng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Các tham luận cũng đề cập những vấn đề cốt lõi của hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nga và ASEAN, trong đó có năng lượng.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng (Học viện Khoa học Xã hội) nhận định, Nga và ASEAN có tiềm năng lớn trong hợp tác năng lượng. Nhu cầu năng lượng của ASEAN được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2050, trong khi Nga có khả năng đáp ứng, nhất là than đá, dầu mỏ và khí đốt.

Nhấn mạnh hợp tác năng lượng hai bên phát triển chưa được như kỳ vọng, PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng đề xuất ASEAN và Nga tăng cường hợp tác bảo đảm tính bền vững và an ninh năng lượng, cùng nhau phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, cũng như thăm dò, hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí. Bên cạnh đó, hai bên cũng xem xét tăng cường quan hệ song phương, nâng cấp quan hệ, mở rộng lĩnh vực hợp tác về khai thác và chế biến, sản xuất năng lượng; thúc đẩy hợp tác chính trị, làm nền tảng cho hợp tác kinh tế và năng lượng.

PGS, TS Ekaterina Koldunova, Giám đốc Trung tâm ASEAN (Đại học Quan hệ quốc tế Moskva, Bộ Ngoại giao Nga) khẳng định, trong điều kiện mới, nhu cầu duy trì hợp tác năng lượng cùng có lợi trở nên quan trọng đối với cả Nga và ASEAN. Để xử lý những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, bà Koldunova nhấn mạnh tính cấp thiết xây dựng hạ tầng, tăng tốc phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa Nga và ASEAN thông qua đường biển và đường không.

Trước đại dịch Covid-19, có các chuyến bay thẳng từ Nga đến Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Năm 2022, FESCO khai trương tuyến vận tải biển Vladivostok (Nga)-Hải Phòng (Việt Nam)-Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)-Ninh Ba (Trung Quốc)-Vladivostok (Nga). Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, để tăng cường kết nối thương mại, kinh doanh và du lịch, rõ ràng đòi hỏi một mạng lưới hạ tầng dày đặc hơn.

Cũng theo bà Koldunova, Nga và ASEAN từng đặt nhiều kỳ vọng vào hợp tác lĩnh vực công nghệ cao, tuy nhiên, nhiều khả năng hai bên phải cơ cấu lại các kênh tương tác. Trong tương lai gần, một số lĩnh vực có thể đem lại lợi ích chung cho Nga và Đông Nam Á gồm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học (kinh nghiệm chống dịch), năng lượng tái tạo, phát triển du lịch và hợp tác giáo dục, khoa học, công nghệ mới.

Là đối tác hàng đầu của Nga tại khu vực Đông Nam Á và là cầu nối giữa Nga với các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục được các chuyên gia đánh giá cao về thành tựu phát triển. Bà Ekaterina Bakeeva (Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam) tin tưởng, với bề dày lịch sử, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga không ngừng được củng cố, tăng cường.

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội thành công tại thị trường Nga, trong bối cảnh người dân Xứ sở Bạch dương ưa chuộng nhiều mặt hàng Việt Nam như thủy hải sản, hoa quả, hàng dệt may, tiêu dùng. Để tăng cường kim ngạch thương mại song phương, bà Bakeeva nhấn mạnh giải pháp Nga và Việt Nam thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước phát triển các dự án trong các lĩnh vực là thế mạnh.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khai-thong-diem-nghen-trong-hop-tac-asean-nga-post808833.html
Copy Link
https://nhandan.vn/khai-thong-diem-nghen-trong-hop-tac-asean-nga-post808833.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Khai thông điểm nghẽn trong hợp tác ASEAN-Nga
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO