“Hiện tượng” - “Bắc Bling”
Ra mắt ngày 1-3, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy nhanh chóng tạo cơn sốt trên mạng xã hội, vươn lên dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước và ghi dấu ấn quốc tế. Chỉ sau 24 giờ, sản phẩm thu về hơn 3,3 triệu lượt xem, đạt top 1 âm nhạc thịnh hành YouTube Việt Nam.
Đến nay, MV đã lọt top 4 video YouTube được xem nhiều nhất thế giới, top 14 âm nhạc thịnh hành toàn cầu và xuất hiện trên các bảng xếp hạng âm nhạc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Australia...
![]() |
Không chỉ thống lĩnh YouTube, “Bắc Bling” còn giữ vững vị trí số 1 trên ZingChart Realtime, bảng xếp hạng nhạc mới ZingMP3 và iTunes, khẳng định sức hút của một sản phẩm mang đậm màu sắc dân gian hòa quyện cùng hơi thở đương đại. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Lý giải thành công của “Bắc Bling”, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng yếu tố đầu tiên là sự xuất hiện của Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh. “Nghệ sĩ Xuân Hinh mang đến nét duyên dáng, hài hước rất riêng. Anh rap đầy cá tính nhưng vẫn đậm chất dân gian, bởi chính anh cũng là một nghệ sĩ chèo”, ông nhận định.
Theo soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, “Bắc Bling” còn gây ấn tượng mạnh bởi ngôn từ trau chuốt, giàu tính nghệ thuật. “Chỉ cần nghe ca từ đã thấy cuốn hút rồi, vần nối vần, ý nối ý. Nghe “Bắc Bling” có cảm giác như đang nghe ca dao, nhưng ca dao ấy lại được rap theo phong cách xẩm và dân ca cổ truyền”, ông chia sẻ.
Cả nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nhà báo Mai Văn Lạng đều cho rằng sự góp mặt “vua hài đất Bắc” Xuân Hinh đã tạo nên cây cầu nối giữa các thế hệ, khiến “Bắc Bling” chinh phục không chỉ khán giả trẻ mà cả những người yêu nghệ thuật truyền thống.
![]() |
Ca sĩ Hòa Minzy nhận bằng khen của tỉnh Bắc Ninh vì góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa quê hương. Ảnh: NVCC |
Bằng các cảnh quay được thực hiện tại những địa danh giàu giá trị lịch sử như: Đền Đô, chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, làng gốm Phù Lãng, cùng sự xuất hiện của nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Quan họ, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ..., MV góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa và cảnh quan Bắc Ninh.
Về âm nhạc, “Bắc Bling” tiếp tục đánh dấu sự hợp tác giữa Hòa Minzy, nhạc sĩ Tuấn Cry và nhà sản xuất Masew. Tuấn Cry đã khéo léo đưa chất liệu quan họ vào ca khúc, trong khi Masew phối khí theo phong cách EDM (nhạc điện tử) pha trộn dân gian, tạo nên sự hài hòa, vừa đủ lạ tai để gây ấn tượng, vừa đủ quen thuộc để người nghe cảm thấy gần gũi.
Phát biểu tại buổi họp báo ra mắt MV “Bắc Bling”, nữ ca sĩ Hòa Minzy cho biết: “Tôi không có khả năng sản xuất hay sáng tác, nhưng tôi có giọng hát và có tư duy âm nhạc, đặc biệt là một tình yêu quê hương đất nước rất lớn. Cho nên tôi chắt lọc lại những cái từ bản thân mình có để làm một sản phẩm tốt nhất”.
![]() |
“Bắc Bling” quy tụ các gương mặt hoàn toàn đến từ Bắc Ninh: NSƯT Xuân Hinh, nhạc sĩ Tuấn Cry và 300 diễn viên quần chúng ở nhiều độ tuổi khác nhau đã góp phần tạo nên sản phẩm mang đậm dấu ấn địa phương. Ảnh: NVCC |
Chính tình yêu ấy đã thôi thúc nghệ sĩ trẻ như Hòa Minzy tìm cách đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc hiện đại. Xu hướng này không chỉ làm sống lại những giá trị nghệ thuật xưa mà còn giúp âm nhạc dân gian tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ.
Dân gian dân tộc – chất liệu quý của sản phẩm nghệ thuật đương đại
Theo nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng, âm nhạc truyền thống Việt Nam rất phong phú, mỗi loại hình mang giá trị riêng nhưng đều phản ánh tâm hồn, đời sống người Việt. Sức sống của âm nhạc dân gian không chỉ nằm ở những giá trị truyền thống mà còn ở khả năng thích ứng, chuyển mình trước dòng chảy thời đại.
Sự thích ứng ấy đã mở đường cho những xu hướng sáng tạo mới trong âm nhạc. “Sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển, đương đại và dân gian đang là xu hướng toàn cầu, vì âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, gắn kết cộng đồng và các quốc gia. Việc dung hòa tiết tấu và chất liệu dân gian trong một tác phẩm là một thành tựu lớn, và nhiều nhạc sĩ Việt Nam cũng đã theo đuổi hướng đi này”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam nhận định.
![]() |
Nghệ sĩ Hà MyO liên tục nhận các giải thưởng lớn sau thành công của tác phẩm âm nhạc “Xẩm Hà Nội”. Ảnh: NVCC |
Nhiều nghệ sĩ mạnh dạn kết hợp chất liệu dân gian với âm nhạc đương đại, như Hòa Minzy, Hà Myo, Hoàng Thùy Linh, Cao Bá Hưng… tạo nên những sản phẩm mang màu sắc riêng, vừa giữ gìn bản sắc, vừa phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ.
Nhắc đến Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà), công chúng sẽ nhớ đến “Xẩm Hà Nội”, một MV âm nhạc thể hiện nghệ thuật hát xẩm kết hợp đầy ăn ý với rap và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại. Từ “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, Hà Myo tiếp tục gây chú ý với “Đập nàng Khọt” (kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và EDM); “Dân Ca Việt” kết hợp giữa chèo, hát văn, xẩm cùng NSND Thanh Ngoan.
Trước khi theo đuổi dòng nhạc kết hợp yếu tố truyền thống, Hà Myo thừa nhận từng thờ ơ với âm nhạc dân gian, bị cuốn theo những giai điệu hiện đại và vô tình bỏ qua giá trị của dân ca. “Chỉ khi lắng nghe sâu hơn, tôi mới nhận ra dân ca không chỉ là âm nhạc mà còn là bức tranh lịch sử, phản ánh tâm hồn người Việt. Từ đó, tôi đặt mục tiêu phải đưa dân ca đến gần hơn với thế hệ trẻ, để họ không chỉ nghe mà còn hiểu, yêu và trân trọng di sản của dân tộc”, nữ ca sĩ khẳng định.
![]() |
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm khai thác chất liệu dân gian là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm khai thác chất liệu dân gian là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Việc đưa yếu tố truyền thống vào sáng tạo tác phẩm âm nhạc không chỉ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của nghệ sĩ mà còn dễ dàng chạm đến cảm xúc của khán giả. Quan trọng hơn, mỗi sản phẩm như vậy góp phần lan tỏa giá trị di sản, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn âm nhạc dân tộc.
Không chỉ Hà Myo, nhiều nghệ sĩ trẻ cũng đang ghi dấu ấn mạnh mẽ khi đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại, trong đó nổi bật là Hoàng Thùy Linh. Khéo léo khai thác chất liệu lịch sử, văn học vào âm nhạc, cô đã mang đến những bản hit gây tiếng vang lớn. Từ “Để Mị nói cho mà nghe” lấy cảm hứng từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Tứ phủ” đậm màu sắc tín ngưỡng, đến “See Tình” mang âm hưởng miền Tây, mỗi ca khúc khi phát hành đều “làm mưa, làm gió” trên thị trường nhạc Việt lẫn quốc tế. Thành công này đến từ sự sáng tạo trong cách kết hợp giai điệu dân gian với hòa âm, phối khí hiện đại, giúp âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ.
![]() |
Cao Bá Hưng hiện là ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Anh được biết đến với danh hiệu Quán quân chương trình âm nhạc “Sing My Song” mùa 1. Ảnh: NVCC |
Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, là cháu đời thứ 7 của Cao Bá Quát, ngay từ nhỏ, Cao Bá Hưng đã say mê âm nhạc dân gian và mong muốn lan tỏa giá trị ấy đến thế hệ trẻ.
“Ở thời đại này, khi internet bùng nổ, văn hóa âm nhạc Hàn Quốc hay Âu Mỹ du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, thật khó trách các bạn trẻ ít dành sự quan tâm cho âm nhạc dân tộc. Nhưng đó cũng chính là động lực để Hưng và những nghệ sĩ khác nỗ lực hơn, tiếp thu cái mới, tìm ra hướng đi sáng tạo cho các giá trị di sản, để chúng vừa gần gũi với xu hướng thời đại mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Bởi nếu chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà thiếu đổi mới, âm nhạc truyền thống sẽ dần xa rời khán giả trẻ. Khi ấy, những làn điệu dân ca sẽ khó có cơ hội hồi sinh và phát triển trong đời sống đương đại”, nam ca sĩ chia sẻ.
Thổi hồn Việt vào sản phẩm đương đại
Có thể thấy, sự kết hợp giữa những giai điệu hiện đại, trẻ trung với âm hưởng và hình ảnh mang đậm bản sắc dân tộc đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các sáng tác đương đại. Tuy nhiên, tìm về những giá trị truyền thống không phải là công thức để thành công cho mọi sáng tác âm nhạc. Để làm mới âm nhạc dân gian, nghệ sĩ trẻ không chỉ cần sáng tạo mà còn phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống, để sản phẩm không hời hợt, nửa vời, không phù hợp thuần phong mỹ tục, lai căng, thậm chí phản văn hóa.
Trước đây, khi nhận xét về nền âm nhạc Việt Nam đương đại, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng vẫn chưa thực sự trọn vẹn, do thiếu một hệ thống lý thuyết rõ ràng nhằm định hình và phản ánh tư duy âm nhạc của người Việt. Đây cũng là điều khiến ông luôn trăn trở về sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.
![]() |
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, ông đang trao đổi với Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các chuyên gia về việc xây dựng một hệ thống lý thuyết âm nhạc đặc trưng cho Việt Nam. Ảnh: PHẠM THỨ |
“Tôi rất tôn trọng việc giới trẻ ngày nay tiếp cận âm nhạc qua nhiều thể loại như pop, rap, rock… Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để những thể loại ấy mang bản sắc Việt Nam, trở thành rap Việt, rock Việt, pop Việt. Tôi theo dõi các sáng tác của giới trẻ và thấy có sự pha trộn giữa yếu tố Tây và Việt, nhưng đôi khi lại thiếu sự định hình rõ ràng - Việt chưa ra Việt, Tây chưa ra Tây. Những tác phẩm thực sự mang đậm sắc thái âm nhạc Việt Nam vẫn chưa nhiều”, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.
Trở lại với “Bắc Bling” của Hòa Minzy, soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận xét, đây rõ ràng là một sản phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam. Câu ca dao mở đầu “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” và toàn bộ phần rap của NSƯT Xuân Hinh mang đậm chất của loại hình dân ca Xẩm. Bên cạnh đó, phần lời của ca sĩ Hòa Minzy cũng mang nhiều âm hưởng của dân ca Quan họ.
“MV Bắc Bling là một sản phẩm quảng bá rất ấn tượng về Bắc Ninh. Tuy nhiên, có lẽ chính người dân Bắc Ninh, đặc biệt là những liền anh, liền chị gắn bó với Quan họ lâu năm lại không thực sự đón nhận nhiệt tình. Nhiều người chơi Quan họ gốc đã nhắn tin chia sẻ với tôi rằng: Họ băn khoăn về một số chi tiết trong MV, như: Cảnh diễn viên quần chúng mặc trang phục Quan họ truyền thống nhảy múa trước nơi linh thiêng hay cách thắt khăn mỏ quạ chưa thật sự chuẩn chỉnh và nền nã. Bởi với những người am hiểu văn hóa Quan họ, việc chuẩn chỉnh trong trang phục là điều rất quan trọng”, ông Mai Văn Lạng bày tỏ.
Ông cũng nhận định rằng, nếu đội ngũ sản xuất của ca sĩ Hòa Minzy có người am hiểu sâu sắc về văn hóa Quan họ thì những điểm hạn chế như vậy khó có thể xảy ra. Đây cũng là một bài học không chỉ dành cho Hòa Minzy mà còn cho các nghệ sĩ khác khi thực hiện những sản phẩm âm nhạc kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống.
![]() |
Điều soạn giả Mai Văn Lạng cảm thấy tiếc nuối nhất trong sản phẩm âm nhạc này là có những chi tiết trong phần hình ảnh của MV chưa được trọn vẹn. Ảnh: NVCC |
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cũng là người rất ủng hộ nghệ sĩ trẻ đưa chất liệu dân gian vào trong âm nhạc đương đại. Ông cho rằng mỗi sản phẩm văn hóa, nghệ thuật khi ra đời đều sẽ nhận được nhiều ý kiến và cảm nhận khác nhau – đó chính là bản chất của nghệ thuật.
“Khán giả hoàn toàn có quyền chê bai. Chê bai chính là ngọn roi mạnh mẽ nhất, đánh thức sự sáng tạo và giúp nó trưởng thành. Vì vậy, trong một xã hội, tôn trọng sáng tạo và phê bình sáng tạo là điều tất yếu. Đó cũng là cách mỗi cá nhân tiếp cận nghệ thuật.
Không ai có lỗi, không phải người viết bài phê bình, cũng không phải người sáng tạo. Điều đáng trách chỉ là khi một tác phẩm ra đời mà chẳng ai quan tâm. Ngược lại, nếu một tác phẩm có cả người tán thưởng lẫn kẻ chê bai, thì đó chính là dấu hiệu của sự thành công”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định.
Gia nhập cuộc chơi với quốc tế
Theo soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, việc sử dụng những giai điệu, lời ca và những câu chuyện văn hóa có thể coi là cách thức sáng tạo giúp dân ca tiếp cận với giới trẻ mà vẫn giữ được nét truyền thống. Muốn có các ca khúc chất lượng, nghệ sĩ cần biết kết hợp uyển chuyển giữa yếu tố mới của thời đại, xu hướng của thế giới, đồng thời hòa hợp với yếu tố dân tộc. Mỗi nghệ sĩ cần tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc, học hỏi từ các nghệ nhân, nhà nghiên cứu để tích lũy kiến thức và chắt lọc những tinh hoa, từ đó sáng tạo ra sản phẩm âm nhạc vừa hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định: “Việc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhạc sĩ sáng tác ca khúc trong quá khứ, hiện tại và còn tiếp tục ở tương lai, góp phần lan tỏa những giá trị đẹp đẽ và quý giá trong dân gian”.
![]() |
“Bắc Bling” không chỉ là một sản phẩm âm nhạc mà còn là sự kết tinh của tình yêu, sự trân trọng và lòng biết ơn. Hòa Minzy mong rằng mỗi khán giả khi thưởng thức MV sẽ cảm nhận được những giá trị ý nghĩa mà cô muốn truyền tải. Ảnh: NVCC |
Còn nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng: “Quay lưng với âm nhạc dân gian cũng là quay lưng với quá khứ. Khi đánh mất cội nguồn, chúng ta sẽ khiến tương lai trở nên mờ mịt, không còn biết mình là ai”.
Chính vì thế, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan rất trân trọng và khuyến khích lớp trẻ Việt Nam trong việc vừa bảo tồn, vừa phát huy di sản âm nhạc truyền thống. Ông cảm thấy đáng mừng khi thế hệ trẻ hôm nay không chỉ gìn giữ nguyên vẹn giá trị của âm nhạc cổ truyền mà còn đưa nó vào dòng chảy đương đại, biến âm nhạc truyền thống thành một phần của đời sống hiện đại.
“Dĩ nhiên, trong hành trình đó sẽ có những thăng trầm, giai đoạn phát triển khác nhau. Điều quan trọng nhất là giữ được sự cân bằng giữa tinh thần bảo tồn âm nhạc truyền thống và sự đổi mới để phù hợp với thời đại”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhận định.
Đồng tình với nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, soạn giả Mai Văn Lạng cho biết, việc giới trẻ tiếp cận dân ca, âm nhạc cổ truyền thông qua những tác phẩm làm mới là con đường tuy hơi ngược dòng nhưng dù sao vẫn tốt hơn so với việc họ hoàn toàn không có cơ hội biết đến và kết nối với những giá trị âm nhạc truyền thống.
Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng chia sẻ: “Bấy lâu nay, chúng tôi, những người làm nhạc cổ truyền, luôn nỗ lực đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, nhưng vẫn trầy trật và gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu sao cũng đã mấy mươi thế hệ, sự tiếp nối đã bị đứt gãy. Vì vậy, chúng tôi thực sự khâm phục và trân trọng những nỗ lực của Hòa Minzy”.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, giới trẻ đang tiếp nhận và duy trì âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, việc đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại đang trở thành xu hướng ở hiện tại và chắc chắn sẽ còn được tiếp nối mạnh mẽ trong tương lai.
“Nhiều người nghĩ rằng giới trẻ không quan tâm đến dân ca, nhưng thực tế không phải vậy. Chính lớp trẻ hôm nay đang tiếp nhận và giữ gìn nền âm nhạc dân gian. Nếu không có họ, dân ca đã dần mai một, bởi thế hệ lớn tuổi như chúng tôi rồi cũng sẽ không còn. Vậy nên, dù số lượng người yêu thích dân ca có thể ít hơn so với nhạc đương đại, nhưng vẫn có một bộ phận giới trẻ dành tình yêu sâu sắc cho dòng nhạc này”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định.
HẢI LY - PHẠM THỨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.