Thực hiện Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý (TGPL), Trung tâm đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, chú trọng công tác tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình.
Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, người dân xã Đắk Ru |
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm TGPL đã hoàn thành 38 vụ việc tố tụng. Trong đó, đã TGPL cho 12 lượt người nghèo, 9 lượt người dân tộc thiểu số, 4 lượt trẻ em, 11 lượt người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và 2 người có hoàn cảnh khó khăn.
Những tháng đầu năm 2020, Trung tâm thực hiện 6 đợt truyền thông về TGPL tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Qua các đợt truyền thông đã giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TGPL cho 300 lượt người tham gia và cấp phát miễn phí 1.200 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân.
Ông Trần Văn Cường, một người dân ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) cho biết, người dân ở vùng quê ít có điều kiện tiếp xúc với sự chuyển động, phát triển của xã hội. Do đó, sự va chạm, sử dụng đến pháp luật còn thiếu và yếu. Vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh đã về địa phương để tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Nhờ đó, bà con đã được trang bị thêm những kiến thức về giao thông đường bộ, đất đai, hành chính… Với những kiến thức vừa được trang bị, người dân sẽ hạn chế được những vi phạm không đáng có, sống đúng với các quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Trung tâm TGPL, thời gian qua, đơn vị đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, truyền thông pháp luật về TGPL.
Điều đáng phấn khởi là chất lượng vụ việc TGPL trong tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật tiền tố tụng ngày càng được nâng cao, tạo được niềm tin trong Nhân dân, với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan hành chính Nhà nước.
Công tác TGPL cũng góp phần giúp người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trung tâm TGPL cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác truyền thông về TGPL còn hạn chế. Còn có tình trạng người được TGPL chưa biết đến quyền được TGPL của mình. Mặt khác, do đặc thù nhiều địa phương là miền núi, nên đường giao thông đi lại rất khó khăn. Trong khi, Trung tâm TGPL không có xe ô tô, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Giữa đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ TGPL còn có khoảng cách rất xa về tiếng nói, phong tục. Đa số bà con không biết tiếng Kinh và cán bộ trợ giúp pháp luật cũng không nắm bắt được ngôn ngữ, phong tục của đồng bào. Điều đó đã làm cho bà con còn e dè khi tham gia các buổi sinh hoạt pháp luật cũng như hỏi các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Một số địa phương còn chưa thật sự quan tâm phối hợp với Trung tâm để thực hiện công tác TGPL, chưa thật sự xem đây là nhiệm vụ của địa phương, đơn vị mình. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, con người thực hiện TGPL chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động TGPL thường xuyên, kịp thời và có chất lượng. Nhu cầu đòi hỏi việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng ngày càng cao, trong khi nguồn lực còn hạn chế...
Chia sẻ về công tác tuyên truyền, phổ biến, TGPL, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Để thực hiện TGPL, trước tiên phải làm cho người được TGPL biết về chính sách TGPL, về quyền và nghĩa vụ của họ, về người và tổ chức TGPL, các địa chỉ mà họ có thể tìm đến. Do đó, cần tăng cường truyền thông về công tác TGPL rộng rãi trên địa bàn tỉnh để mọi người dân có thể tìm đến các cơ quan TGPL bất cứ lúc nào”.
Theo ông Hiếu, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung thực hiện tốt các đợt truyền thông về chính sách TGPL theo kế hoạch đề ra. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện công tác tư vấn pháp luật tại các địa phương, cơ sở để cho nhiều người dân được tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật.
Đơn vị cũng sẽ cử các Trợ giúp pháp lý viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… cho các đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác. Đơn vị sẽ duy trì thường xuyên các hoạt động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người tham gia tố tụng được trợ giúp pháp lý…