Trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có kế hoạch xây dựng 20 bể bơi trong các trường tiểu học, gồm 4 bể bơi cố định và 16 bể bơi di động. Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 bể bơi được xây dựng; 1 bể bơi di động tại huyện Đắk R’lấp chưa được xây dựng. Tổng số học sinh được học bơi là 6.637 em; trong đó 2.477 em biết bơi, đạt trên 36%.
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng GD-ĐT Đắk Song cho rằng, việc thiết kế không phù hợp, rất khó khăn cho quá trình vận hành, sử dụng |
Theo đánh giá, mặc dù đã có nhiều bể bơi đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân được xác định là do thiết kế không phù hợp, nhiều hạng mục không bảo đảm an toàn, khâu vận hành khó, nhiều trường ở vùng khó khăn không kêu gọi xã hội hóa được…
Nhiều bể bơi tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm nhà thầu chưa cao, chủ đầu tư chưa làm tốt công tác giám sát, đôn đốc và chưa có biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng đối với nhà thầu…
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Toàn đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, báo cáo và đề xuất các phương án vận hành, bảo đảm an toàn cho các bể bơi |
Qua phân tích, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Văn Toàn đề nghị các Phòng Giáo dục-Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động của bể bơi. Các trường rà soát, báo cáo, đề xuất cần bổ sung gì để bảo đảm an toàn khi sử dụng hồ bơi.
Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch chỉ đạo khắc phục hạn chế, khó khăn để phát huy hiệu quả các bể bơi, tránh lãng phí cũng như mang lại quyền lợi cho học sinh được học tập, rèn luyện.