Trẻ em ngủ ngoài trời ở al-Mawasi, phía nam Dải Gaza. (Ảnh: UNICEF) |
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nói: "Vào thời điểm này, người dân ở Gaza đang phải đối mặt nạn đói, chúng tôi kêu gọi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa và cho hàng viện trợ đi qua. Tình hình ở Dải Gaza đã vượt quá giới hạn thảm họa. Nếu không có thêm viện trợ vào Gaza, chúng tôi không thể duy trì hỗ trợ các bệnh viện và cứu sống người dân".
Israel kiểm soát và đóng cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập từ ngày 7/5, làm gián đoạn tuyến đường quan trọng cho người dân và viện trợ vào vùng đất này. Israel cho rằng các tổ chức nhân đạo không hoạt động hiệu quả trong khu vực, dẫn tới tình trạng tồn đọng nguồn cung cấp hàng viện trợ.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WHO, chiến dịch của Israel ở Rafah đã ảnh hưởng sáu bệnh viện và chín trung tâm y tế, khiến 70 nơi trú ẩn không còn được trang bị các dịch vụ chăm sóc y tế.
Ông nhấn mạnh, số lượt người được khám, chữa bệnh giảm gần 40% và tỷ lệ tiêm chủng giảm 50%. Khoảng 700 người bệnh nặng đang mắc kẹt trong vùng chiến sự, không được chuyển đến nơi khác điều trị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza về cơ bản đã sụp đổ kể từ khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự vào dải đất này.
Ông Tedros Ghebreyesus cho biết thêm, bệnh viện Al-Awda ở phía bắc Dải Gaza vẫn bị bao vây kể từ ngày 20/5, với 148 nhân viên, 22 người bệnh và những người đi cùng họ đang bị mắc kẹt bên trong.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch thiết lập các tuyến đường mới trong Dải Gaza để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo từ cầu tàu do Mỹ xây dựng ngoài khơi Gaza. Đây là nỗ lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm hàng viện trợ đến với người dân Palestine ở dải đất này trong bối cảnh nhiều xe tải chở hàng không đến được kho chứa theo đúng kế hoạch. Hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza từ cầu tàu do Mỹ thiết lập bắt đầu từ ngày 17/5 vừa qua, với sự tham gia điều phối của Liên hợp quốc.
Ông Dujarric nêu rõ việc các cửa khẩu trên bộ bị đóng cửa gây khó khăn cho hoạt động viện trợ tại Gaza, cũng như ở thành phố Rafah, nơi có khoảng 400.000 người vẫn đang trú ẩn. Hoạt động phân phát hàng viện trợ do Liên hợp quốc thực hiện tại Rafah đã phải tạm ngừng.
Người phát ngôn Văn phòng đại diện Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Cairo (Ai Cập) Abeer Etefa cho biết, Liên hợp quốc đang lên kế hoạch thiết lập những tuyến đường mới, nhằm nối lại hoạt động phân phát hàng viện trợ đến tận tay người dân.
Bà Etefa bày tỏ quan ngại nguy cơ các hoạt động viện trợ nhân đạo ở Gaza có thể sẽ sụp đổ, đồng thời cảnh báo nạn đói tiếp tục lan rộng.