Chiều 3/1, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng diễn ra Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2024 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025.
Tại hội nghị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên nhìn nhận, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ lớn nhất cả nước; đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với Tây Nguyên đại ngàn, đây là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để “kích hoạt” trở thành nguồn lực phát triển, với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 5 triệu ha; vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng, giàu khoáng sản và là trung tâm sản xuất bauxite cả nước; khí hậu ôn hòa rất thích hợp cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao; diện tích rừng hơn 3 triệu ha, đa dạng cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước cùng với nền văn hóa đặc sắc là tiềm năng lớn phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch sinh thái, văn hóa.
Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đang nỗ lực phát huy lợi thế của từng địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho toàn vùng.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp cho rằng, thông qua các sự kiện trong khuôn khổ hội nghị sơ kết lần này, tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua và kịp thời sơ kết, đánh giá, đề ra các chương trình hợp tác thời gian tới để đẩy mạnh liên kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên liên kết, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, phân phối hàng hóa…
Tại hội nghị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phát biểu ý kiến, phân tích làm rõ những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây nguyên năm 2024; nêu những khó khăn, hạn chế cần khắc phục và thống nhất kế hoạch thực hiện trong năm 2025.
Theo đánh giá, năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên; các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức và tham gia triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác; các doanh nghiệp chủ động, tích cực khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt triển khai 23 nội dung của hoạt động hợp tác song phương. Đây được xem như một bản đồ chi tiết, dẫn đường cho sự hợp tác sâu rộng và thiết thực giữa Thành phố Hồ Chí Minh và từng tỉnh Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, khoa học-công nghệ, đến công nghiệp, du lịch và y tế. Các hoạt động đào tạo, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình, nghiên cứu khoa học và xúc tiến đầu tư đều được chú trọng, hướng đến phát triển bền vững.
Có 5 quận và thành phố Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác triển khai các hoạt động an sinh xã hội với một số huyện, thành phố thuộc các tỉnh Tây Nguyên. Cũng trong năm này, hàng chục sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia được tổ chức mang lại kết quả thiết thực.
Ghi nhận, lĩnh vực y tế đã triển khai ký kết 5 biên bản ghi nhớ giữa Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và các Sở Y tế vùng Tây Nguyên. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4/2024, các tỉnh Tây Nguyên đã kêu gọi đầu tư vào 558 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 300 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, qua các sự kiện được tổ chức, ghi nhận nhiều ý kiến rất tâm huyết và có trách nhiệm của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của lãnh đạo các tỉnh và các doanh nghiệp góp ý cho chương trình công tác, cũng như những định hướng phối hợp hành động. Ban tổ chức tiếp thu và sẽ tập hợp, biên tập và hoàn thiện văn kiện của hội nghị để các tỉnh xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện.
Đồng chí mong muốn, năm 2025, tất cả doanh nghiệp hãy cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên tham gia tích cực vào hoạt động liên kết, phối hợp. Thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ tối đa để tiếp tục thực hiện các nội dung hợp tác song phương giữa thành phố với các địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên là con đường tốt nhất để vừa mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tin tưởng, việc phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng; liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước, mà trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh - đô thị kinh tế, văn hóa lớn nhất cả nước là quan trọng, cần thiết; góp phần hoàn thành ở mức cao nhất toàn bộ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đề ra, tạo sức bật mạnh mẽ đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã khen thưởng các đơn vị có đóng góp tích cực vào kết quả thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa thành phố mang tên Bác và các tỉnh Tây Nguyên.
Để tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2023-2025; tại hội nghị, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã thống nhất thống nhất 4 nội dung cơ bản để triển khai thực hiện trong năm 2025, như tổ chức sự kiện triển lãm, lễ hội, chương trình kết nối cung cầu, hội chợ; hội nghị, hội thảo, tọa đàm cấp vùng, cấp quốc gia trên một số lĩnh vực; triển khai các nội dung, hoạt động hợp tác song phương; tiếp tục triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực y tế và lĩnh vực an sinh xã hội…