Kết nối, lan tỏa những giá trị nhân ái

Thanh Hằng| 21/06/2021 10:12

Nhiều hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo của tỉnh Đắk Nông được các cơ quan báo chí phản ánh, kết nối với các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chia sẻ, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần.

ADQuảng cáo

Có khó khăn là gọi cho… phóng viên

Phóng viên H’Loan, công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình (Đài PT-TH) tỉnh Đắk Nông có thời gian dài gắn bó với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ khi chương trình “Lan tỏa yêu thương” lên sóng, chị H’Loan cùng một số phóng viên khác được giao phụ trách chuyên mục, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ những số phận bất hạnh, yếu thế.

Phóng viên H'Loan cùng ekip thực hiện chương trình "Lan tỏa yêu thương" xúc động trước hoàn cảnh của chị Phạm Thị Huê (xã Đắk Wil, huyện Cư Jút)

Mỗi tháng 1 chương trình phát sóng với 3 hoàn cảnh khó khăn cần được kêu gọi giúp đỡ, để lại ấn tượng khác nhau cho ekip thực hiện. Thế nhưng, chị H'Loan nhớ nhất là hai anh em sinh đôi Y Bảo Long và Y Bảo An, học sinh lớp 1, Trường tiểu học-THCS Nguyễn Viết Xuân, ở xã Buôn Choáh (Krông Nô).

Chị H’Loan kể, trong quá trình đang tác nghiệp tại huyện Krông Nô, một thầy giáo của trường đã liên hệ, nhờ chị Loan giúp đỡ 2 anh em Bảo Long - Bảo An. Dù không nằm trong kế hoạch làm việc, nhưng chỉ 1 tiếng đồng hồ sau, chị đã cùng ekip chương trình “Lan tỏa yêu thương” tới xác minh hoàn cảnh trên.

Chị H'Loan nhớ lại: “Thời điểm chúng tôi đến thăm, bệnh tình của hai cháu rất nặng, 1 cháu bị sa ruột, 1 cháu bị viêm tai mủ xanh, ngồi trong lớp bị chảy mủ thường xuyên, bốc mùi thối. Gia đình hai cháu quá nghèo, sống nhờ ông bà ngoại và không có tiền đi chữa trị. Bố mẹ đi làm thuê xa thỉnh thoảng mới về”.

Chứng kiến cảnh ngộ thương tâm, chị H’Loan cùng ekip đã liên hệ với các đầu mối kêu gọi sự hỗ trợ vật chất để có kinh phí điều trị cho 2 cháu. Đặc biệt, thông qua kết nối, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) đã phẫu thuật, điều trị cho 1 trong 2 cháu nhỏ này.

Tương tự, thông qua bài viết “Thảm cảnh của người phụ nữ có chồng con liệt giường” của phóng viên Cao Nguyên, bạn đọc Báo Người Lao Động đã giúp gia đình bà Hà Thị Noi (65 tuổi, ở thôn Nam Sơn, xã Nam Đà, huyện Krông Nô) vượt qua khó khăn khi phải chăm sóc chồng và con gái tật nguyền.

Phóng viên Cao Nguyên nhớ lại, một buổi chiều cuối năm 2020, anh bất ngờ nhận được lời đề nghị giúp đỡ gia đình bà Noi. Ngót nghét 10 năm qua, một tay bà Noi chăm sóc, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Cũng từng ấy năm, cứ sáng sớm, bà Noi lại đẩy chiếc xe lăn "chằng néo" người con gái tật nguyền ra chợ để bán vài bịch ớt bột.

Hoàn cảnh của bà Noi đã gây xúc động, ngay sau đó, phóng viên Cao Nguyên đã xin ý kiến tòa soạn để viết bài giúp đỡ, với mong muốn giúp gia đình có một cái tết đủ đầy hơn.

“Những hoàn cảnh như thế, họ thực sự khó khăn nên mới tìm sự giúp đỡ. Thời điểm đó, với trách nhiệm của một phóng viên, tôi nghĩ rằng, càng viết sớm càng tốt. Khó khăn của bà Noi được bạn đọc biết sớm ngày nào thì cuộc sống của cả gia đình sẽ đỡ khổ ngày ấy”, anh Cao Nguyên kể và cho biết thêm, sau bài viết, gia đình bà Noi đã nhận được hàng chục triệu đồng từ các nhà hảo tâm trên cả nước.

Hạnh phúc khi giúp đỡ những số phận bất hạnh

Nhiều năm gắn bó với “Lan tỏa yêu thương”, chị H’Loan nhận thấy có những hoàn cảnh rất thương tâm. Mỗi lần phát sóng 15 phút không thể nào mô tả hết sự khó khăn, cùng đường của nhân vật. Đặc biệt, có những nỗi đau, sự bất hạnh mà không ngôn từ, hình ảnh nào có thể diễn tả nổi.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Chính vì thế, thông qua phóng sự truyền hình chưa đủ, chị H'Loan còn tận dụng mạng xã hội để kêu gọi sự sẻ chia của cộng đồng. Bởi chị tâm niệm, đã là người làm báo thì phải làm tròn trách nhiệm với nhân vật, bằng nhiều hình thức khác nhau, đưa sự khốn khổ của nhân vật ấy chạm đến trái tim của khán giả.

Phóng viên H'Loan tâm sự: “Người làm báo chúng tôi có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội. Không có nhiều tiền để giúp những hoàn cảnh khó khăn thì bằng tiếng nói, bằng phóng sự, chúng tôi mong muốn kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với nhân vật của mình. Đối với tôi, hạnh phúc là được giúp đỡ những số phận bất hạnh”.

Báo Giao thông trao tặng quà của bạn đọc tới hoàn cảnh khó khăn tại xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa). (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Cũng là người đồng hành cùng những hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Đắk Nông, chị Hoàng Hoa, phóng viên Đài PT-TH tỉnh có cơ hội tiếp xúc với những số phận thiếu may mắn. Càng đi sâu tìm hiểu, chị Hoa càng cảm nhận được sự khốn khó, cùng quẫn của nhân vật, từ đó thôi thúc bản thân làm sao giúp đỡ được những hoàn cảnh này.

Theo chị Hoa, phóng viên làm lĩnh vực nhân ái có phần khác biệt hơn phóng viên thời sự. Ở chuyên mục này, những cảm xúc, tình cảm của phóng viên được truyền đến độc giả, khán giả. Nhiều năm trong nghề, không ít lần chị Hoa rơi nước mắt khi thấy nhân vật của mình đứng giữa ranh giới sự sống, cái chết chỉ vì thiếu tiền đi bệnh viện.

“Ở vào thời điểm đó, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm giữa con người với con người, chứ không phải là vai trò của một phóng viên đi thực hiện nhiệm vụ. Nhưng chúng tôi luôn ý thức rằng, người làm báo sẽ trở thành cầu nối số phận bất hạnh với các nhà hảo tâm. Đây là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi được phân công làm chương trình”, phóng viên Hoàng Hoa nói.

Gắn trách nhiệm vào ngòi bút

Phóng viên Cao Nguyên cho rằng, người làm báo khi viết bài nhân ái phải thực sự tinh tế, để nhân vật của mình hiểu rằng, họ nhận được tình cảm của độc giả, chứ không phải là sự ban ơn, bố thí.

“Bài nhân ái, kêu gọi sự giúp đỡ phải thực sự cảm xúc, nhưng không vì thế mà làm mất đi tính chính xác. Chinh vì thế, mỗi khi viết một bài, tôi phải cân nhắc kỹ từng câu chữ, để làm sao câu chuyện phải chân thực, nhân vật không tổn thương mà bạn đọc cũng xúc động”, phóng viên Cao Nguyên cho hay.

Món quà lớn nhất đối với những phóng viên nhân ái chính là tình cảm của người dân dành cho mình

Trong khi đó, anh Hồ Ngọc Hùng, phóng viên Báo Giao thông lại trăn trở, rất nhiều người là nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn và mong chờ sự giúp đỡ. Thế nhưng, số lượng tin bài có hạn, nên dù ít, dù nhiều, những phóng viên như anh vẫn có điều đắn đo trong lòng.

Anh Hùng cho biết: “Trước khi tiếp cận với nhân vật cần hỗ trợ, tôi thường xác minh qua chính quyền địa phương và nói chuyện qua điện thoại với nhân vật. Qua quá trình trao đổi, nếu thấy hoàn cảnh phù hợp thì sẽ xuống tận nhà để lấy tư liệu viết bài. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin, viết bài đăng báo theo trình tự sẽ giúp tôi hạn chế được việc “gieo hy vọng” cho các hoàn cảnh khó khăn”, phóng viên Ngọc Hùng cho hay.

Có thể nói, bằng ngòi bút của mình, nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí đã làm cầu nối giữa những nhà hảo tâm với người nghèo, người khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ những bài báo, phóng sự trên báo chí, không ít người yếu thế, kém may mắn đã được giúp đỡ, vươn lên trong cuộc sống hoặc thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo. Mỗi phóng viên bằng sản phẩm báo chí của mình, đã góp phần lan tỏa những giá trị nhân ái, tốt đẹp trong toàn xã hội.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối, lan tỏa những giá trị nhân ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO