Văn hóa

Kết nối cùng hành trình ISV20 – 2022 tại Đắk Nông

Đông Khuê 30/03/2023 08:39

Hội nghị ISV là một hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (UIS-CVC) được tổ chức 2 năm một lần, nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này. Đây là lần đầu tiên Hội nghị ISV được tổ chức tại Việt Nam, do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức từ ngày 21/11 đến ngày 26/11/2022.

Những ngày cuối tháng 11, khi gió heo may ùa về, những cơn mưa vẫn vô tình trút một cách vô cớ xuống mảnh đất Tây Nguyên là lúc diễn ra Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20). Tổ chức thành công sự kiện quan trọng này là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực trong công tác triển khai rất nhiều hoạt động để chào đón những vị khách đến từ năm châu và bạn bè khắp mọi miền tổ quốc đến với Đắk Nông thương yêu.

ket-noi-dong-khue.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười phát biểu khai mạc hội nghị

Công tác chuẩn bị

Ngay từ đầu quý IV, năm 2021, Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) tại Đắk Nông đã được thông tin rộng rãi trên nhiều kênh thông tin truyền thông. Công tác chuẩn bị để tổ chức hội nghị quan trọng này đặt ra rất nhiều yêu cầu: Đảm bảo về địa điểm tổ chức, chương trình hoạt động, chương trình khám phá hang động… Là hội nghị quốc tế nên việc đảm bảo ngôn ngữ trong giao tiếp, văn hóa, ẩm thực, sự an toàn cho đại biểu quốc tế luôn được đặt trên hàng đầu. Trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị, đã có nhiều cuộc khảo sát, các chuyến đi thực địa về huyện Krông Nô để tu sửa các tuyến đường vào hang, khảo sát độ an toàn cho du khách và đoàn chuyên gia khi tham quan… Để hội nghị được đảm bảo thành công, các cơ quan như Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, huyện Krông Nô… đã tích cực triển khai thực hiện những nội dung công việc quan trọng từ nhiều tháng. Việc huy động đội ngũ phiên dịch viên và tình nguyện viên phục vụ hội nghị cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo, tất cả điều được tập huấn các kiến thức cơ bản về hội nghị ISV20 và có thể xử lý các tình huống diễn ra trong quá trình phiên dịch tại hội nghị, tại các hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực và đi tham quan hệ thống hang động.

Không gian ấm cúng, đầy ắp tình thân

Đó là suy nghĩ của nhiều đại biểu khi đến với hội nghị lần này. Việt Nam, Đắk Nông tình cảm, ấm áp từ đêm giao lưu văn nghệ đón bạn đến rất nhiều hoạt động của Hội nghị quốc vế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trưởng), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hà lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức.

Hội nghị quốc vế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” là cơ hội thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị quốc tế giữa các quốc gia trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, thể hiện sự thân thiện, mến khách của tỉnh Đắk Nông với bạn bè quốc tế. Sau ngày khai mạc Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan - Hàn Quốc. Các hoạt động của hội nghị tiếp tục được triển khai trong ngày 23 và 24/11 như: Họp trực tuyến nhóm các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO có hang động núi lửa; hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam; Gặp gỡ đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Bên lề các hoạt động diễn ra tại hội trường, là tiệc chiêu đãi của tỉnh Đắk Nông cùng các hoạt động giới thiệu về bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa Đắk Nông thông qua các tiết mục văn nghệ dân gian, diễn tấu cồng chiêng, uống rượu cần, trao vòng sức khỏe… các tiết mục văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, luôn được sự hưởng ứng, trầm trồ và tham gia nhiệt tình của các đại biểu.

ket-noi-2.jpg
Giao lưu văn nghệ chào mừng đại biểu và đoàn chuyên gia UNESCO về dự hội nghị

Các đại biểu tham dự và khách tham quan được chiêm ngưỡng không gian triển lãm ảnh với chủ đề “Kỳ quan núi lửa và hang động núi lửa”. Bên cạnh đó là gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp OCOP của các huyện, thành phố nằm trong hệ thống hang động núi lửa, được thưởng thức cam, quý, bưởi... những sản phẩm đã có thương hiệu và được người tiêu dùng chọn lựa nhiều năm nay. Các đại biểu và khách tham quan còn được giới thiệu những sản phẩm đạt giải của học sinh trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật về công viên địa chất, được nghe các em thuyết trình về sản phẩm sáng tạo kỹ thuật của mình. Các em học sinh còn được nghe các chuyên gia trao đổi thêm những kiến thức về hang động núi lửa.

Trong chuỗi hoạt động của hội nghị, đại biểu còn tham quan một số điểm của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông như: Nhà triển lãm Âm thanh, Nhà trưng bày cồng chiêng người Mạ, Nhà trưng bày các nhạc cụ cổ xưa; được khám phá, thưởng thức ẩm thực truyền thống của người dân tộc M’nông, Mạ, khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông.

Hành trình khám phá

Kết thúc ba ngày hội nghị, các nhà khoa học, đoàn chuyên gia UNESCO, các đại biểu dự hội nghị được bố trí đi khám phá hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô. Ấn tượng khám phá đầu tiên đối với các đại biểu là được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong đêm hội đón đoàn tại thác Đray Sáp do huyện Krông Nô tổ chức vào tối ngày 24/11. Các đại biểu được hòa mình vào tiết mục múa sạp, khua luống, xòe quạt của đồng bào Thái ở xã Đắk Nam Xuân, cùng lắng nghe điệu đàn tính, hát then của đồng bào Tày ở xã Đắk Sôr, diễn tấu cồng chiêng của đồng bào M’nông ở xã Nâm Nung...

Đại biểu tham dự Hội nghị ISV20 đã chia làm hai nhóm đi thực địa, khám phá các hang trong hệ thống hang động núi lửa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Các hang tiêu biểu được chọn để khảo sát gồm hang C9, C8, Nâm B’lang, C7, C6, C3, C4, C6.1, thác Đray Sáp, thác Gia Long... Hành trình khám phá hang động và các địa điểm trong hệ thống di sản của đại biểu và đoàn chuyên gia đã diễn ra an toàn, đầy những kỷ niệm thú vị và bổ ích. Và niềm vui nhất là sau mỗi hành trình đã có rất nhiều những hình ảnh, tư liệu quý từ các thành viên trong đoàn ghi lại quá trình khám phá, tác nghiệm cùng các nhà khoa học và đoàn chuyên gia. Những hình ảnh, tư liệu ấy sẽ gắn kết Đắk Nông – Việt Nam đến với bạn bè thế giới trong một tương lai không xa.

Kết nối tương lai

Chuỗi hoạt động của Hội nghị ISV20 kết thúc, còn đó những cung bậc cảm xúc khác nhau của đại biểu, ban tổ chức, người dân, lực lượng phóng viên báo chí... Trên tất cả vẫn là điểm nhấn nổi bật nhất của tỉnh Đắk Nông khi được đăng cai một sự kiện tầm quốc tế. Tất cả đã diễn ra theo kế hoạch, an toàn và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Qua 02 ngày khám phá hang động, các đại biểu và đoàn chuyên gia đã khám phá thêm được hơn 175m chiều dài hang C7 (xã Buôn Choáh). Với phát hiện này, chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m. Phát hiện trên là nguồn tư liệu khoa học quý giá đối với di sản địa chất mang tầm quốc tế của tỉnh, bổ sung giá trị cho hồ sơ tái thẩm định hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông vào năm 2023 do UNESCO công nhận.

Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo Khoa học “15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam” tại tỉnh Đắk Nông thực sự đã mở ra một cơ hội mới trong việc quảng bá hình ảnh công viên địa chất toàn cầu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; mở ra cơ hội phát triển du lịch của tỉnh nhà trong thời gian tới như khẳng định của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tại lễ khai mạc: “Việc chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học quốc tế khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất; là cơ hội để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời, cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cơ hội phát triển luôn rộng đường phía trước, qua hội nghị ISV20 đã kết nối Đắk Nông với bạn bè trong nước, Việt Nam với bạn bè quốc tế để cùng nhau xây dựng một tương lai Việt Nam giàu đẹp, phát triển bền vững”.

Hội nghị đã hoàn thành nội dung, chương trình như kế hoạch đề ra. Các bài tham luận, các ý kiến đề xuất của các nhà khoa học và các chuyên gia tại các hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giới thiệu những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông nói riêng và của các hang động núi lửa trên thế giới nói chung. Thành công của sự kiện quốc tế quan trọng này góp phần thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối các điểm đến trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để thực hiện quan điểm “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa – đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, đưa du lịch thực sự trở thành một trong 03 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Kết nối cùng hành trình ISV20 – 2022 tại Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO