Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan

ĐINH TRƯỜNG| 07/04/2024 22:52

Với hơn 5.000 phòng tập và trung tâm huấn luyện trên khắp đất nước, Muay Thái là một trong những môn thể thao đối kháng được yêu thích nhất ở Thái Lan. Chính phủ Thái Lan ban hành một loạt chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ môn võ vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa đem lại nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế sáng tạo của đất nước.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 1

Các võ sĩ Muay Thai chuyên nghiệp đều phải trải qua những bài tập thể lực khắc nghiệt.

Nghệ thuật độc đáo của môn võ đối kháng

Được gọi là “nghệ thuật của tám chi”, bởi sự đặc trưng của việc kết hợp linh hoạt nắm đấm, khuỷu tay, đầu gối và ống chân, Muay Thái có nguồn gốc từ kỹ năng chiến đấu cổ xưa của người Thái Lan. Trong chiến tranh, đôi khi các võ sĩ Muay Thái được trang bị thêm vũ khí như kiếm, giáo. Từ thời kỳ Ayutthaya trở đi, Muay Thái không chỉ là một phương pháp chiến đấu phổ biến, mà còn gắn liền với hoạt động giải trí và thi đấu.

Ngày 6/2 hằng năm được Chính phủ Thái Lan chọn là Ngày Muay Thái, trùng với Ngày kỷ niệm lễ đăng quang của Vua Sanphet VIII, vị vua có những đóng góp quan trọng đối với môn võ cổ truyền của Thái Lan. Còn được gọi là “Phrachao Suea” (Vua hổ), Sanphet VIII tương truyền rất giỏi Muay Thái và đã ban lệnh ghi lại những mô tả chính xác các kỹ thuật của môn võ này. Những ghi chép của Vua Sanphet VIII được xem là sách giáo khoa Muay Thái lâu đời nhất của Thái Lan.

Các võ sĩ Muay Thái sử dụng nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể làm “vũ khí” trong chiến đấu, đặc biệt là nắm đấm, khuỷu tay, cánh tay, bàn chân, đầu gối và đầu. Trước đây, các võ sĩ không đeo găng tay và được phép tóm đối thủ bằng tay không, vật xuống. Do đó, cuộc thi đấu khi đó được quyết định thắng thua bằng cách sử dụng kỹ thuật thay vì sức mạnh.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 1

Các võ sĩ Muay Thai chuyên nghiệp đều phải trải qua những bài tập thể lực khắc nghiệt.

Các trận đấu Muay Thái ngày nay diễn ra trên võ đài, phù hợp các quy tắc và thông lệ quốc tế, trong đó có cả việc sử dụng găng tay thay vì chiến đấu bằng băng quấn tay. Khi trận đấu bắt đầu, mỗi chiến binh giữ tư thế vững vàng, giơ tay thủ thế, nhìn thẳng vào đối phương, tập trung cao độ để sẵn sàng ra đòn hoặc phòng thủ.

Một số kỹ thuật Muay Thái được nhiều người Thái Lan biết đến với những tên gọi giàu hình ảnh như charakhe fat hang (cá sấu quét đuôi), tức xoay người để đá bằng cách vung gót chân ra sau; Hanuman thawai waen (Thần khỉ Hanuman trao nhẫn), tung cú đấm từ cả hai phía cùng một lúc; ban sian Thotsakan (chặt đầu quỷ Thotsakan), kết thúc bằng một cú nhảy vào gáy.

Một trận đấu Muay Thái thường có năm hiệp, mỗi hiệp kéo dài ba phút, xen kẽ với thời gian nghỉ hai phút giữa các hiệp. Điểm được ghi cho mỗi cú đánh vào đối thủ. Nếu vi phạm quy tắc, võ sĩ sẽ bị trừ điểm. Trận đấu có thể kết thúc bằng knockout trực tiếp hoặc theo quyết định của trọng tài.

Đưa văn hóa ra thế giới, đem về nguồn thu kinh tế

Phát biểu trước giới báo chí và truyền thông quốc tế tại sự kiện “Nghệ thuật Muay Thái: Quảng bá hình ảnh và nền kinh tế sáng tạo” do Phòng Đối ngoại của Cục Quan hệ Công chúng (PRD) của Thái Lan tổ chức hôm 22/3, ông Varavut Yanjareon, Thứ trưởng Văn phòng Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của Muay Thái như một môn thể thao và vai trò của môn võ này đối với lịch sử, truyền thống và tinh thần của người dân.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 2

Các võ sĩ tập luyện tại Học viện Petchyindee, một trong những “lò” đào tạo Muay Thái đạt chuẩn 5 sao ở thủ đô Bangkok.

Theo ông Varavut, ngoài việc phản ánh hiệu quả bản sắc của Thái Lan, Muay Thái còn tạo điều kiện trao đổi văn hóa giữa các quốc gia. Với sự công nhận trên toàn thế giới, các võ sĩ Thái Lan đã mang lại niềm tự hào cho đất nước trên nhiều phương diện khác nhau, biến Muay Thái trở thành một quyền lực mềm mà Chính phủ đang thúc đẩy.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan, võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp Jessada Srangdee, với nghệ danh Suek Petchyindee, chia sẻ rằng anh bắt đầu tập luyện môn võ này từ năm 7 tuổi. Suek Petchyindee cho biết, Muay Thái không chỉ là một môn thể thao mà còn là truyền thống gia đình, đem lại thu nhập và sự nghiệp cho võ sĩ 23 tuổi này. Anh trai của Suek cũng là một võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 3

Đối với các võ sĩ như Suek Petchyindee, Muay Thái không chỉ là một môn thể thao, mà còn là sự nghiệp, cuộc sống.

Kế hoạch của Chính phủ Thái Lan cấp thị thực đặc biệt 90 ngày cho người nước ngoài muốn đến Thái Lan để học và tập luyện Muay Thái, đã nhận được phản hồi rất tích cực từ tất cả các bên, khi tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể ở lại Thái Lan lâu hơn để tham dự và hoàn thành các khóa học. Điều này sẽ mang lại thêm thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho người Thái Lan, đồng thời giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh liên quan đến Muay Thái.

Thăm Học viện Petchyindee, một trong những “lò” đào tạo Muay Thái đạt chuẩn 5 sao nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, có thể dễ dàng bắt gặp các học viên, võ sĩ thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, đến từ nhiều nước trên thế giới. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, các nhóm người nước ngoài đến Thái Lan tập luyện Muay Thái lớn nhất đến từ Anh, Australia, Pháp, Đức, Nga… Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc quan tâm đến việc luyện tập Muay Thái.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 4
Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 5

Chính sách của Chính phủ Thái Lan cấp thị thực đặc biệt 90 ngày cho người nước ngoài muốn đến nước này để học và tập luyện Muay Thái nhận được nhiều sự hưởng ứng.

Bộ Ngoại giao Thái Lan đang tìm cách đơn giản hóa các thủ tục cấp thị thực quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các huấn luyện viên Thái Lan muốn dạy Muay Thái ở nước ngoài. Theo thống kê của PRD Thái Lan, hiện có khoảng 40.000 phòng tập Muay Thái trên toàn thế giới và nhu cầu về huấn luyện viên Muay Thái ở nước ngoài hiện rất cao. Việc thúc đẩy Muay Thái trong cộng đồng toàn cầu sẽ tạo điều kiện để các võ sĩ quốc tế đánh giá cao những yếu tố hấp dẫn của môn võ cổ xưa này của Thái Lan, đồng thời giúp cho quyền lực mềm của Thái Lan được biết đến nhiều hơn trên toàn thế giới.

Nhiều cơ hội hơn cũng sẽ được Chính phủ Thái Lan trao cho những người đang được đào tạo để trở thành chuyên gia về Muay Thái. Chính phủ Thái Lan sẽ đặt ra tiêu chuẩn cho các huấn luyện viên Muay Thái thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ, giấy phép chuyên môn để bảo đảm các huấn luyện viên này đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài.

Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 6Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan ảnh 7
Một trận đấu Muay Thái do ONE Championship tổ chức tại sân vận động Lumpinee ở Bangkok, Thái Lan.

Cùng kế hoạch thành lập Viện Muay Thái để quản lý môn thể thao quốc gia, Thái Lan cũng đang chuẩn bị hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét ghi Muay Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ke-hoach-nang-tam-quyen-luc-mem-muay-thai-cua-thai-lan-post803575.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch nâng tầm “quyền lực mềm” Muay Thái của Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO