Theo đó, việc huy động được thực hiện khi tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, cần chi viện lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, các phương tiện chuyên dùng khác của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
Việc huy động này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ, tai nạn sự cố gây ra theo phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu.
Người đứng đầu được quyền điều động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời báo cáo lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp và báo ngay cho Công an tỉnh để kịp thời chi viện, ứng cứu.
Việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng lệnh huy động, điều động; trường hợp khẩn cấp, lệnh huy động hoặc quyết định có thể bằng lời nói, nhưng chậm nhất không quá 3 ngày làm việc phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản.
Người được điều động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được điều động để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động bị mất, bị hư hỏng; nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định tại các điểm c, d, khoản 1 Điều 38 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.