Giải trí

Istanbul - “bảo tàng văn hóa” của thế giới

Thái Thịnh 27/03/2023 08:51

Nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ, không ít người nhầm thành phố Istanbul là thủ đô của đất nước này thay vì Ankara. Sự nhầm lẫn này có lẽ đến từ việc Istanbul là một thành phố lâu đời, nơi chứng kiến quá trình phát triển rực rỡ của các triều đại và từng là kinh đô của các đế quốc La Mã (330 - 395), Byzantine (395 - 1204 và 1261 - 1453), Latin (1204 - 1261) và Ottoman (1453 - 1922). Ngày nay, Istanbul vẫn là thành phố lớn nhất, là trung tâm kinh tế, văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dấu ấn của thành phố liên lục địa 

Có lẽ vì là thành phố liên lục địa, thành phố duy nhất trên thế giới có phần lãnh thổ nối châu Âu và châu Á qua 4 cây cầu và 2 đường hầm đường bộ, đường sắt xuyên qua eo biển Bosphorus nên Istanbul mang trong mình những dấu ấn của sự giao thoa văn hóa. Vì vậy, ở Istanbul, người ta vừa thấy được sự hối hả, nhộn nhịp của các nước châu Á, vừa có sự bình thản, vững chãi của lục địa châu Âu.

Thành phố với lịch sử 2.600 năm phát triển này giờ đây giống như một bảo tàng của chính mình khi lưu giữ “bộ sưu tập” gồm các di tích, hệ thống bảo tàng, cung điện nguy nga nằm rải rác giữa các đường phố hiện đại hay trên 7 ngọn đồi lịch sử (Seven Hills), tạo nên vẻ duyên dáng và sự bình yên như trong những câu chuyện thần thoại Hy Lạp. Không những thế, ngày nay, Istanbul còn bảo tồn được nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mang đậm bản sắc của một “Thủ đô văn hóa châu Âu” - danh hiệu mà Istanbul được công nhận vào năm 2010.

thonhiky.jpg
Thành phố Istanbul nằm bên eo biển Bosphorus.

Đến Istanbul, du khách không thể bỏ qua các lâu đài tráng lệ hay hệ thống bảo tàng hấp dẫn. Một trong số đó là cung điện Topkapi của các vị vua Ottoman trị vì từ năm 1465 - 1830. Cung điện này được trang trí bằng gạch màu rực rỡ, đá cẩm thạch lấp lánh và gương mạ vàng. Ngày nay, cung điện Topkapi là một bảo tàng hấp dẫn với những hiện vật quý báu.

Ghé thăm vương cung thánh đường Aya Sofya (hay nhà thờ Hagia Sophia), du khách dường như nghe thấy tiếng lịch sử vọng về từ thế kỷ VI. Nơi đây từng là vương cung thánh đường của Chính thống giáo Đông phương (một nhánh của Kito giáo), đến năm 1453 dưới thời đế quốc Ottoman đã trở thành nhà thờ Hồi giáo. Vương cung thánh đường này có kiến trúc nổi bật là phần mái vòm khổng lồ được tạo thành chỉ bằng bốn khung kim loại uốn cong, 40 ô cửa sổ trên mái vừa để lấy ánh sáng tự nhiên vừa giúp giảm trọng lượng lên cấu trúc tổng thể. Nhờ đó, Hagia Sophia được mệnh danh là một trong những “kho báu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1935, công trình được chuyển đổi công năng thành bảo tàng, mỗi năm thu hút hàng triệu khách du lịch.

Ngoài ra, tại Istanbul còn có hàng loạt công trình ấn tượng khác, như thánh đường Basilica Cistern dưới lòng đất với 336 cột đá, trần nhà bằng gạch hình vòm; nhà thờ Hồi giáo Xanh được tô điểm sắc màu bởi hàng chục nghìn viên gạch İznik; cung điện Dolmabahçe, nơi sở hữu chiếc đèn chùm pha lê khổng lồ treo trên trần nhà được mạ bằng hàng ngàn cân vàng, dưới là sàn đá cẩm thạch, lan can pha lê và thảm da gấu. 

Bên cạnh các lâu đài lộng lẫy, Istanbul còn sở hữu nhiều công viên giữa lòng đô thị đông đúc để người dân và du khách thư giãn như công viên bờ biển Moda, công viên Emirgan - nơi ngắm hoa tulip vào tháng tư, Ataturk - công viên rừng đô thị, Belgrade - công viên rừng tốt nhất để đi bộ đường dài - chạy bộ và đạp xe leo núi... 

"Thiên đường" mua sắm

Không chỉ là trung tâm văn hóa, lịch sử, Istanbul còn là một trung tâm kinh tế vô cùng năng động với nhiều khu chợ, trung tâm buôn bán sầm uất hay các dãy phố hàng hiệu, trong đó phải kể tới trung tâm mua sắm lâu đời nhất thế giới Grand Bazaar - một mê cung đồ sộ với gần 4.000 cửa hàng trên diện tích 45.000m2. Khu chợ lịch sử được hình thành từ thế kỷ XV này là “thiên đường mua sắm” của khách du lịch với những món quà lưu niệm xa xỉ như bùa hộ mệnh Nazar, thảm Anatolia, đồ gốm Iznik tinh xảo hay các mặt hàng dệt may, đồ da, đồ dùng nhà bếp... 

Ở Istanbul cũng có rất nhiều khu chợ dành riêng cho gia vị và các loại nông sản như chợ Kadıköy, chợ Spice Bazaar. Tại đây, du khách có thể dễ dàng tìm thấy ô liu, trái cây sấy khô và các loại hạt, cá, pho mát, dưa chua hay các loại gia vị thơm, đầy màu sắc như hương vị hoa hồng hoặc quả hồ trăn Haci Bekir nổi tiếng để làm quà tặng người thân.

Nếu muốn tìm những món đồ thời trang cao cấp, du khách nên tìm đến các cửa hàng trên phố đi bộ İstiklal Caddesi ở trung tâm quận Beyoğlu của Istanbul. Đây là khu vực tập trung các cửa hàng do cộng đồng người Armenia, Hy Lạp và Do Thái điều hành. Bên cạnh các khu mua sắm hiện đại, du khách nhất định phải khám phá khu chợ đồ cũ İstiklal Caddesi, Çiçek Pasajı hay tìm đồ trang sức, đồ bạc thủ công, sách cũ tại chợ Hazzapulo Pasajı. Muốn săn lùng đồ cổ, du khách hãy đến chợ Cihangir và Çukurcuma nằm trên những ngọn đồi của Beyoğlu (quận Cihangir). Đây là điểm đến lý tưởng cho những người yêu thích vàng, đồ sứ cổ, đồng hồ, chăn ren thủ công. Những người chủ cửa hàng ở đây rất thân thiện, hiểu biết và có thể kể cho du khách nhiều câu chuyện thú vị bên ly trà.

Theo hanoimoi.com.vn
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1059064/istanbul---bao-tang-van-hoa-cua-the-gioi
Copy Link
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/1059064/istanbul---bao-tang-van-hoa-cua-the-gioi
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Istanbul - “bảo tàng văn hóa” của thế giới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO