Nhân viên y tế di chuyển thi thể của một nhân viên cứu trợ World Central Kitchen thiệt mạng trong vụ không kích. (Ảnh chụp lại từ video theo nguồn Reuters) |
Trong tuyên bố được phát video, ông Netanyahu thừa nhận sự cố bi thảm xảy ra trước đó 1 ngày là điều “không may”, trong đó lực lượng Israel đã “vô tình làm hại những người không tham chiến ở dải Gaza”.
"Điều này thường xảy ra trong chiến tranh. Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và đang liên hệ với các chính phủ có liên quan. Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn vụ việc tương tự tái diễn", Thủ tướng Israel khẳng định.
Vụ không kích vào đoàn xe của WCK đã khiến 7 nhân viên cứu trợ nước ngoài gồm công dân Australia, Anh và Ba Lan, cùng 1 người Palestine và 1 công dân mang 2 quốc tịch Mỹ và Canada thiệt mạng.
Đại diện WCK cho biết, đoàn xe viện trợ đã bị tấn công khi đang rời nhà kho Deir al-Balah sau khi bốc dỡ hơn 100 tấn lương thực viện trợ được đưa đến Gaza bằng đường biển. Nhân viên của WCK đang di chuyển trên 2 chiếc xe bọc thép có gắn logo của tổ chức từ thiện này cùng một phương tiện khác, đồng thời có phối hợp các hoạt động của họ với quân đội Israel.
Bà Erin Gore, Giám đốc điều hành của WCK nhấn mạnh, đây không chỉ là cuộc tấn công nhằm vào tổ chức này, mà còn là cuộc tấn công nhằm vào các tổ chức nhân đạo trong tình hình thảm khốc nhất. Bà khẳng định điều này là "không thể tha thứ được".
Tổ chức từ thiện có trụ sở tại Mỹ cũng cho biết, họ sẽ tạm dừng các hoạt động tại ở Gaza và UAE, nước đã tài trợ cho việc vận chuyển thực phẩm do WCK phân phối bằng đường biển đến Gaza. Các chuyến hàng sẽ tạm dừng để chờ bảo đảm an toàn từ Israel và một cuộc điều tra đầy đủ sau vụ việc.
Anera, một nhóm viện trợ có trụ sở tại Mỹ đang hợp tác với WCK cũng cho biết đã tạm dừng các hoạt động ở Gaza vì lo ngại các điều kiện bảo đảm an toàn.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể của một nhân viên cứu trợ World Central Kitchen thiệt mạng trong vụ không kích. (Ảnh chụp lại từ video theo nguồn Reuters) |
Phía quân đội Israel cũng bày tỏ "sự đau buồn chân thành" về vụ việc và cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra bởi "một cơ quan độc lập và chuyên nghiệp".
Phản ứng trước vụ việc, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã có cuộc điện đàm với ông Netanyahu, trong đó cho biết, nước Anh bàng hoàng trước những thiệt hại về nhân mạng này, trong đó có 3 người Anh, và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập kỹ lưỡng và minh bạch.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, ông bày tỏ "sự tức giận và lo ngại" trước diễn biến vụ việc trong một cuộc điện đàm khác với người đồng cấp Israel.
Phía Mỹ cho rằng không có bằng chứng cho thấy Israel cố tình nhắm mục tiêu vào các nhân viên cứu trợ, nhưng Mỹ cũng bày tỏ “sự phẫn nộ và đau lòng” trước cái chết của các nhân viên cứu trợ quốc tế, và Israel có nghĩa vụ bảo đảm các nhân viên cứu trợ nhân đạo ở Gaza không bị tổn hại.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho người sáng lập WCK để bày tỏ lời chia buồn và cam kết Washington sẽ hối thúc Israel hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ các nhân viên cứu trợ. Đại diện các nước Australia, Anh và Ba Lan cũng lên tiếng yêu cầu Israel có các hành động tương tự.
Theo Liên hợp quốc, ít nhất 196 nhân viên nhân đạo đã thiệt mạng ở Gaza kể từ tháng 10/2023. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, tổ chức này một lần nữa kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza. Trước đó, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra ở đây.
Theo cơ quan y tế Gaza, điều kiện ở đây vẫn cực kỳ bấp bênh khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở một số khu vực hôm 2/3, và thêm 71 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel trong 24 giờ qua.
Theo đại diện y tế của lực lượng Hamas ở Gaza, khoảng 2,3 triệu người đã phải di dời cùng hơn 32 nghìn người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 10 năm ngoái.