Tìm kiếm người bị mắc kẹt dưới những đống đổ nát sau vụ không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 3/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 4/11, báo Times of Israel đưa tin Bộ Ngoại giao Israel đã chỉ trích việc Chính phủ Honduras triệu hồi đại sứ tại Israel để phản đối cuộc xung đột ở Gaza.
Ông Lior Haiat, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Israel, bày tỏ hy vọng Chính phủ Honduras không đưa ra các quyết định hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Tương tự, Israel chỉ trích quyết định triệu hồi Đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng tin Al Jazeera ngày 4/11, Israel khẳng định quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ "là một bước đi nữa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía tổ chức khủng bố Hamas."
Ngày 3/11, Honduras đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh tiếp theo triệu hồi Đại sứ tại Israel về nước để tham vấn về “tình hình nhân đạo nghiêm trọng” mà người dân Palestine ở Gaza đang phải đối mặt.
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Honduras Enrique Reina nêu rõ: “Trước tình hình nhân đạo nghiêm trọng mà dân thường Palestine ở Dải Gaza đang phải gánh chịu, Chính phủ Honduras đã triệu hồi Đại sứ Roberto Martinez về Tegucigalpa về nước để tham vấn”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Israel để tham vấn do cuộc khủng hoảng nhân đạo và các cuộc tấn công tại Dải Gaza.
Ngày 4/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sau khi xung đột kết thúc, Gaza phải là một phần của một Nhà nước Palestine độc lập. Phát biểu với báo giới, ông Erdogan khẳng định Ankara sẽ không ủng hộ bất cứ hình thức nào nhằm "xóa dần người Palestine khỏi lịch sử."
Cơ quan tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc với Israel, chính quyền Palestine và cả lực lượng Hamas để tìm giải pháp cho cuộc xung đột. Hiện tại, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không coi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là một đối tác, nhưng cũng sẽ không cắt đứt quan hệ với Israel./.